Đó là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, khi nói về những cách làm của cá nhân để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Cường.
Trước khi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Cường là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông cho biết ông lập trang Facebook với mục đích ban đầu là dùng cho cá nhân. Tuy nhiên càng sử dụng thì hiệu quả của mạng xã hội trong công tác quảng bá hình ảnh của Việt Nam rất hiệu quả. Rất nhiều người quan tâm đến mạng xã hội qua đó mình cũng học hỏi được nhiều điều, tăng cường tuyên truyền đối ngoại, hoạt động của sứ quán, của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
“Một kỷ niệm đáng nhớ là lần tôi gặp Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, John Mc Cain, lúc đó ông đã hơn 70 tuổi, sau khi gặp tôi thì ông nhắc trợ lý là đưa ngay cuộc gặp này lên Twitter, và thông tin đưa lên rất nhanh. Các nhà chính khách có tên tuổi ở nhiều nước cũng sử dụng mạng xã hội. Kỷ niệm của tôi liên quan đến sự kiện giàn khoan 981, bài phát biểu ở trên CNN đã được nhiều người quan tâm”-ông Cường cho hay.
Biết và hiểu được sức mạnh của thông tin trên mạng xã hội, ông đã tiếp tục áp dụng quảng bá hình ảnh Việt Nam khi làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Ông kể: Ở Nhật Bản, lần đầu tiên khi đưa được quả xoài vào Nhật, tôi đã nhận được nhiều comment khác nhau và đó là nguồn động viên khích lệ với tôi và giúp tôi hiểu được thị trường Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản khó tính, nên cơ hội thì nhiều, nhưng phải bài bản thì mới trụ ở đó lâu dài được.
Nói về vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đối với địa phương, ông Cường nhận định rằng, vai trò của cơ quan đại diện ngoại giao rất quan trọng vì nó là cầu nối hiểu nhất về nước sở tại. Cầu nối kết nối và thông tin cho các địa phương về thị trường nước sở tại như thế nào, tham mưu cho trung ương và địa phương, mỗi nước có một đặc thù khác nhau. Thẩm tra tư cách pháp nhân các doanh nghiệp vào địa phương. Việc này thì các cơ quan đại diện ngoại giao làm thường xuyên.
Ông Cường chia sẻ: Đối với Nhật Bản, các địa phương cũng rất quan tâm đến thị trường Nhật Bản. Tôi đã đi nhiều tỉnh của Nhật Bản, qua đó hiểu từng địa phương có thế mạnh là gì họ muốn gì ở Việt Nam, tư vấn cho họ các địa phương ở Việt Nam, các địa phương rất quan tâm đến những lưu ý của cơ quan đại diện của Việt Nam. “Tôi hay nói với các bạn Nhật rằng chính sách Đông du có từ thế kỷ 19 và chúng tôi rất muốn học các kiến thức của Nhật Bản. Nếu ngay cả khi con số 50 nghìn lưu học sinh mà so với các nước ASEAN thì gấp 3 lần các nước ASEAN cộng lại. Đây là nguồn nhân lực hết sức quan trọng cho quan hệ 2 nước trong những năm tới”-ông Cường nói.