Đúng như nhận định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong một cuộc họp chỉ đạo triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: “Nhân dân đồng thuận chúng ta sẽ tiến hành được”. Đến thời điểm cuối tháng 4, mốc tiến độ 30 tháng 6 phải bàn giao 70% mặt bằng sạch mà Hà Nội đề ra là khả thi.
Đúng như nhận định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong một cuộc họp chỉ đạo triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: “Nhân dân đồng thuận chúng ta sẽ tiến hành được”. Đến thời điểm cuối tháng 4, mốc tiến độ 30 tháng 6 phải bàn giao 70% mặt bằng sạch mà Hà Nội đề ra là khả thi.
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 4 nghĩa là 2 tháng trước mốc tiến độ được giao, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 7 quận, huyện đang băng về đích với hơn 50% khối lượng công việc đề ra ở tất cả các hạng mục.
Cụ thể, tổng số mộ chí đã di chuyển là 5.958/10.921 ngôi đạt 54,56%. Có những huyện như Mê Linh đạt 100%; hay Sóc Sơn, Thường Tín đạt khoảng 98% khối lượng công việc. Về phê duyệt phương án và thu hồi đất đạt 404,40/798,043 ha đạt 50,67%; trong đó nhiều địa phương đạt tỷ lệ thu hồi đất cao như huyện Sóc Sơn đã phê duyệt phương án và thu hồi được 43,62/48,23 ha. Huyện Mê Linh đạt hơn 80 ha/145,66 ha. Mê Linh cũng là địa phương có tổng số đất cần thu hồi đứng thứ hai trong số 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua.
Về tổng số tiền đã phê duyệt phương án bồi thường trên địa bàn TP Hà Nội tính đến cuối tháng 4 là 3.051,77 tỷ đổng. Trong đó, tính đến ngày 4 tháng 5, một số huyện như Đan Phượng đã tổ chức chi trả đền bù giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được 301,2 tỷ đồng, trong đó chi trả 296,81 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và 4,39 tỷ đồng cho các hộ di chuyển mộ.
Huyện Mê Linh đã hoàn thành 3 đợt chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng số 568 tỷ đồng, đạt 66,5% tiến độ. Nghĩa là chỉ 1 tuần kể từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, địa phương này đã “bứt tốc” với 80,04 ha/120,3 ha đất nông nghiệp của 2.139 hộ gia đình, cá nhân (đạt 66,5% diện tích đất nông nghiệp và 56,5% diện tích toàn tuyến đoạn qua địa bàn huyện). Các huyện Thượng Tín, Hoài Đức, quận Hà Đông những ngày này cũng ghi nhận việc trả tiền đền bù cho các hộ dân phải di dời, nhường đất sản xuất, nhường nhà cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Với vùng chuyên canh rau, hoa trái ở Mê Linh, mỗi héc ta đất một năm người nông dân chỉ trồng hoa thôi cũng đã thu được hàng trăm triệu đồng. Nhường đất cho dự án quan trọng cấp quốc gia Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, người dân tại nhiều quận, huyện chấp nhận phần thiệt về mình bởi họ biết: Tất cả vì sự phát triển của Thủ đô thân yêu và của vùng đồng bằng sông Hồng.
Ngay từ khi chủ trương xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ ba thông qua, Hà Nội đã nhanh chóng khởi động dự án. Chủ trương từ Thường vụ Thành ủy Hà Nội thấm xuống Ban Dân vận Thành ủy, UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội rồi chính quyền cơ sở tại 7 quận, huyện nơi đường Vành đai 4 đi qua.
Nhiều cuộc họp dân được tổ chức, lãnh đạo nhiều quận, huyện cùng giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất của nhiều quận, huyện trực tiếp xuống với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân đồng thời thông báo tới nhân dân chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và tiềm năng phát triển của Thủ đô nói riêng và tiềm năng của liên kết vùng đồng bằng sông Hồng nói chung sau khi con đường hoàn thành.
Tại huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Hoàng Anh Tuấn đã trực tiếp chủ trì 12 buổi họp dân trên địa bàn 5 xã có tuyến đường đi qua để thông tin, tuyên truyền và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân với mong muốn tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong triển khai dự án. Lăn lộn với công tác giải phóng mặt bằng từ khi có chủ trương làm đường Vành đai 4, ông Lê Tuấn Tú - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín tâm sự: Dự án có khoảng 9 km đi qua huyện Thường Tín.
Theo ông Tú, công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Thường Tín không đơn giản vì liên quan đến nhiều loại đất cần giải phóng, bồi thường, tái định cư như đất ruộng, đất phi nông nghiệp, đất thổ cư, đất của doanh nghiệp đó là chưa kể đến khoảng 2.000 ngôi mộ cần di dời. Xuống với dân, gần như ngày nào cũng có đôi ba cuộc họp bàn với dân, giải thích rõ, cặn kẽ đưa ra được giải pháp đến nay cơ bản những khúc mắc đã được giải quyết.
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thường Tín hồ hởi cho biết: “Theo mốc tiến độ thành phố đặt ra, đến ngày 30/6, phải bàn giao 70% mặt bằng sạch, huyện Thường Tín phấn đấu đến thời điểm đó sẽ đạt được 70-80% diện tích phải giải phóng mặt bằng và bố trí được vị trí, phần diện tích đất trống liên tuyến để đơn vị thi công có thể triển khai dự án được. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song huyện vẫn đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% trong năm 2023”.
Căn cứ số liệu cuối tháng 4 có thể thấy ít nhất các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Oai và quận Hà Đông sẽ đạt tiến độ mà thành phố đặt ra. Các huyện khác nỗ lực, quyết liệt thêm thì chắc chắn kế hoạch bàn giao 70% mặt bằng sạch trên toàn thành phố vào cuối tháng 6 tới sẽ đạt.
Đi kiểm tra tại quận Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 là nhân tố quan trọng để việc triển khai dự án thành công. Thành phố cũng phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tốt nhất cho nhân dân trong quá trình di chuyển nhà cửa, mồ mả; bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định pháp luật.
Có mặt tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín), chúng tôi ghi nhận không khí phẩn khởi của bà con trước chủ trương lớn từ Chính phủ và TP Hà Nội.
Bà Tạ Thị Mai (xóm 1, xã Văn Bình), là hộ nằm trong diện mất 100% đất đang ở. Bà cho biết, nhà có hơn 300m đất thổ cư do ông bà tổ tiên để lại, gia đình cũng đã xây nhà 2 tầng khang trang, kiên cố. Nay được chính quyền thông báo có dự án đường Vành đai 4 sẽ đi qua nhà bà, nên toàn bộ gia đình sẽ phải di dời đi nơi khác. "Tôi và gia đình con trai hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, nguyện vọng của gia đình là mong các cấp chính quyền hỗ trợ về chỗ ở, về tiền xây nhà sau này sao cho không bị thiệt thòi, để chúng tôi sớm ổn định, an cư để con cái yên tâm phát triển cuộc sống vững bền", bà Mai cho hay.
Anh Đào Xuân Thắng, người dân thôn Giáp Hội (xã Văn Bình), là gia đình có 3 mộ nằm trong diện phải di dời đợt này. Trung tuần tháng 4, anh đã hoàn thành việc di dời và xây mộ cho ông bà tổ tiên.
"Dù cơ quan chức năng có hỗ trợ kinh phi di dời mộ, song do gia đình muốn xây dựng kiên cố và chắc chắn nên đã phải bù thêm tiền, gần gấp đôi so với số tiền dự kiến được hỗ trợ. Nhưng điều khiến anh an lòng là đưa được các cụ về an nghỉ tại Khu quy tập mộ xã Văn Bình rộng khoảng 3 ha, vì ở đây sạch sẽ, thoáng mát, cao ráo, quy củ", anh Thắng chia sẻ.
Ông Phạm Chí Thảo (thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) cho biết, khi nhà nước làm các dự án liên quan đến điện, đường, trường, trạm thì nhân dân chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ. Tất cả người dân chúng tôi đều có suy nghĩ về tương lai của con cháu sau này, mong muốn phát triển kinh tế của quê hương nên 100% người dân đồng tình.
Chung quan điểm, chị Phạm Thị Thành, người cùng thôn với ông Thảo chia sẻ: "Dù chưa hết băn khoăn với khung giá đền bù của nhà nước nhưng do đây là dự án trọng điểm chúng tôi cũng đồng ý. Bởi, chúng tôi nghĩ khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế cho huyện Mê Linh nói riêng và Hà Nội nói chung. Bên cạnh đó, khi đường xá đồng bộ các khu công nghiệp sẽ được xây dựng, người dân sẽ có thêm công ăn việc làm. Cùng đó, người dân Mê Linh cũng có thể dễ dàng di chuyển đưa sản phẩm nông nghiệp của mình đến các nơi khác để bán. Nên, người dân chúng tôi ai cũng đồng tình, ủng hộ dự án nhanh chóng được xây dựng".