Trước lo ngại nợ xấu tăng cao sau dịch, các công ty tài chính đang quyết liệt đưa ra các giải pháp kiểm soát rủi ro cũng như thu hồi, xử lý nợ xấu một cách triệt để.
Lo ngại nợ xấu tăng cao sau dịch
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 47/NQ-CP về việc thông qua Dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Chính phủ giao giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết số 42 để trình Quốc hội theo quy định.
Được biết, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022. Tuy nhiên do lo ngại nợ xấu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, NHNN đã đề nghị kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025.
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, NHNN cho biết tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11/2021 tăng cao ở mức trên 2%.
Theo NHNN, đánh giá một cách thận trọng thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao là 7,42%.
Do vậy, nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo nghị quyết 42 là rất cần thiết.
Riêng đối với mảng tài chính tiêu dùng, khách hàng chính của các công ty tài chính là nhóm khách hàng dễ chịu tổn thương nhất trước tác động bởi Covid-19 do mất việc làm, giảm thu nhập. Theo ý kiến của các chuyên gia, nợ xấu tại nhiều công ty tài chính đã/sẽ tăng 30-40%. Trong khi đó, công tác thu hồi nợ của các công ty này rất khó khăn, khả năng đến quý II/2022 mới có thể hồi phục.
Công ty tài chính nỗ lực kiểm soát nợ xấu sau dịch
Để hạn chế nguy cơ nợ xấu tăng cao sau dịch, các công ty tài chính đã và đang quyết liệt đưa ra các giải pháp nhằm thu hồi, xử lý nợ xấu một cách triệt để.
Tại FE CREDIT, với thị phần khoảng 50%, doanh nghiệp này chịu tác động rõ rệt bởi đại dịch khi vừa phải cắt giảm cho vay vừa phải tăng cường trích lập dự phòng nhằm đảm bảo chất lượng tài sản trong dài hạn.
Để kiểm soát nợ xấu, FE CREDIT đã tích cực nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, chủ động kiểm soát chất lượng tín dụng.
Cụ thể, công ty luôn sẵn sàng tư vấn cho khách hàng cũng như đánh giá khả năng trả nợ, phân loại khách hàng để có kế hoạch trả nợ phù hợp cho khách hàng, hạn chế phát sinh nợ xấu. Công ty cũng chủ động trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, phân loại nhóm nợ theo đúng tình trạng của khoản nợ.
Về công tác thu hồi nợ, FE CREDIT ưu tiên các giải pháp hỗ trợ khách hàng thanh toán phù hợp với khả năng. Công ty đã triển khai các chương trình miễn, giảm lãi theo quy định để chia sẻ khó khăn với những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời, công ty cũng liên tục đầu tư vào công nghệ để hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro. Việc sử dụng công nghệ trong quá trình thẩm định, giải ngân bằng xác thực khuôn mặt hay như công nghệ định danh điện tử eKYC tiên tiến nhất hiện nay… đóng vai trò quan trọng giúp FE CREDIT đưa ra quyết định cho vay chính xác hơn và giảm thiểu rủi ro nợ xấu.
Trong thời gian tới, bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và NHNN nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, FE CREDIT dự kiến tiếp tục triển khai chiến lược thu hồi nợ một cách triệt đồng thời đưa ra các sáng kiến thu hồi nợ hiệu quả nhằm thích ứng với tình hình thực tế cũng như giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp.
Đại diện FE CREDIT cho biết: “Chúng tôi hy vọng sau sự phục hồi của quý 1/2022, công ty sẽ lấy lại được đà tăng trưởng. Hiện tại FE CREDIT luôn sẵn sàng nguồn lực để thực hiện kế hoạch đó. Chúng tôi tiếp tục cố gắng mở rông tiệp khách hàng thông qua bán chéo, bán bổ sung các sản phẩm dịch vụ. Cũng chính khủng hoảng đã mang lại cho chúng tôi bài học về chiến lược thu hồi nợ và ứng dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí”.