Theo Đại tá Lê Tấn Bửi - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) TP HCM, có đến 70% các vụ cháy trên địa bàn xảy ra hàng năm cho chập cháy về điện. Dù thành phố đã chỉ đạo các ban ngành chức năng và PCCC thành phố tổ chức tuyên truyền thường xuyên về công tác PCCC về bảo quản các thiết bị điện, nhưng các sự cố chập cháy về điện vẫn diễn biến phức tạp.
Cháy do chập điện, kèm theo các vật dụng dễ cháy gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và của vào mùa mưa trên địa bàn TP HCM. Ảnh: Hồng Phúc.
Nỗi lo nhà cao tầng
Đáng lưu ý, tại các tòa nhà cao tầng khi xảy ra các vụ cháy nổ do chập điện khiến công tác chữa cháy trở nên khó khăn.
Điển hình mới đây xảy ra các vụ nổ trạm biến áp tại đường Trương Văn Thành (P.Hiệp Phú, Q.9); cháy lớn do chập điện tại cơ sở sang chiết rượu trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) vào ngày 25/3; Nổ trong xưởng bóng đèn trên đường Lê Đình Cẩn (Q.Bình Tân) vào ngày 18/3 khiến 4 người bị bỏng nặng; vụ cháy tại Tỉnh lộ 10, P.Tân Tạo (Q.Bình Tân) vào ngày 12/3 làm 4 người chết…
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM thừa nhận, trên địa bàn thành phố hiện có đến hơn 1.000 nhà cao tầng từ 25 - 100m, nhưng xe thang chữa cháy của thành phố cũng chỉ có thể tiếp cận tối đa tới tầng thứ 20 của các cao ốc. Tuy nhiên, đây cũng là các xe thang chữa cháy mà trên thế giới hiện nay cũng chưa có nước nào vượt qua phạm vi này. Thành phố khắc phục bằng cách sử dụng để lực lượng PCCC dùng cầu thang bộ, nhưng việc này là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm.
Quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, Đại tá Lê Tấn Bửu khuyến cáo ban quản lý các tòa nhà cao tầng, cao ốc, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về PCCC, trong đó đảm bảo có hệ thống thang máy PCCC tại chỗ, có nguồn nước dự trữ, có hệ thống bình chữa cháy cầm tay cũng như hệ thống báo cháy tự động để cảnh báo sớm các sự cố chập cháy về điện và các nguyên nhân khác.
Theo ông Trương Lâm Danh- Trưởng ban Pháp chế - HĐND TP, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn gần 240 cơ sở vừa là nhà ở, vừa kinh doanh. Lực lượng PCCC hiện không quản lý các đối tượng này mà do địa phương (quận/huyện) quản lý. Đây là vấn đề hết sức nan giải vì chỉ có thể thực hiện giải pháp tuyên truyền, vận động. Trong khi nếu xảy ra cháy thì nguy cơ khôn lường do các cơ sở hầu hết không có cửa thoát hiểm; cửa trước đa phần là cửa cuốn nếu xảy ra chập điện thì nguồn điện bị cắt không thể điều khiển được cửa cuốn.
Thực tế hàng năm, TP HCM xảy ra một số vụ cháy nổ gây thương vong vì lý do cháy nổ do chập điện tại nhà dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm lẫn trong các khu dân cư.
Các chợ truyền thống, nơi dự trữ nhiều hàng hóa, cũng như hệ thống điện chằng chịt do câu nhờ, sử dụng nhờ cũng là nơi xảy ra các nguy cơ cao về chập cháy điện. Khi giải trình với thường trực HĐND TP về công tác PCCC, Đại tá Lê Tấn Bửu nói, nguy cơ cháy nổ tại các chợ truyền thống là rất cao, trong đó có chợ Tân Bình.
Chợ này được xây từ trước năm 1975 và chưa được thẩm duyệt về phương án PCCC. Tại đây luôn có hơn 2.000 hộ kinh doanh thường xuyên, đa số sạp lấn chiếm lối ra vào tại chợ.
Cũng theo Đại tá Bửu thì hệ thống điện tại chợ Tân Bình hiện nay chưa đảm bảo, trong khi có rất nhiều các hộ buôn bán sản phẩm dễ cháy như bông, vải sợi, quần áo, giày dép. Chợ Tân Bình từng bị cháy do bất cẩn về công tác PCCC, do đó là một trong những địa điểm được Cảnh sát PCCC liệt vào danh sách “đen” về nguy cơ cháy nổ.
“Tuy nhiên, bất cập hiện nay vẫn là kinh phí, kế đến là ngành điện chỉ chịu trách nhiệm đối với phần đấu nối đến đồng hồ (công-tơ điện), trong khi các dây dẫn và thiết bị điện trong nhà dân, cơ sở sản xuất lại giao phó trách nhiệm cho các thợ điện, dẫn đến tình trạng câu mắc, sử dụng điện tùy tiện, không đúng kỹ thuật và là nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ do chập điện.
Phải siết quy chuẩn ngay từ đầu
Quan điểm của Sở Xây dựng TP HCM là áp dụng việc đảm bảo quy định về PCCC ngay từ trước khi cấp phép xây dựng để hạn chế các vụ cháy nổ do chập điện hoặc liên quan đến các nguyên nhân khác.
Từ đầu năm nay, Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo cho Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) lập kế hoạch về công tác đảm bảo an toàn PCCC do sử dụng điện năm 2017 trên địa bàn thành phố. Trong đó, ngành điện yêu cầu bắt buộc về các điều kiện đảm bảo về an toàn điện, an toàn PCCC khi sử dụng điện vào các hợp đồng mua bán điện sinh hoạt.
Ngành này cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên và các lực lượng chức năng ở cơ sở để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các cơ sở thực hiện kỹ năng về an toàn điện, phòng chống cháy nổ do sử dụng điện trong hộ gia đình.
Ngoài EVN HCMC, Sở Công thương TP HCM cũng đã đề xuất UBND và ngành điện thay thế gần 196.000 bóng đèn dân lập trên toàn thành phố bằng bóng đèn LED để đảm bảo an toàn về điện, vừa tránh tiêu hao về điện. Đề xuất triển khai việc thay thế trong giai đoạn 2016 – 2020 theo đúng quy chuẩn với nguồn điện cung cấp lấy từ lưới điện chiếu sáng hiện hữu.
Theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM, việc triển khai đề án không những giúp đảm bảo an toàn về lưới điện, giảm thải ô nhiễm môi trường mà còn giúp cho chi phí ngân sách thành phố tiết kiệm được hơn 55,3 triệu kWh điện/năm, tương đương khoảng 88 tỉ đồng.