Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển thị trường thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê, tổng nhu cầu thức ăn cho toàn ngành chăn nuôi khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%. Như vậy ngành chăn nuôi phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài.
Chi hơn 5 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 650 triệu USD, tăng 61,7% so với tháng trước và tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lên tới 5,16 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021…
Dự kiến lượng nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam năm 2022 sẽ đạt gần 10 triệu tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về trị giá so với năm 2021. Trong số 5,16 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới gần 5 tỷ USD. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam nhập khẩu 27 chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Argentina (chiếm 29,8%), tiếp theo là Brazil (20,2%) và Hoa Kỳ (12,8%); trong đó, nhiều nhất là ngô và đậu tương. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 11 tháng, nhập khẩu ngô hơn 8,4 triệu tấn, trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành thức ăn chăn nuôi trong nước.
Vẫn chưa thể chủ động nguồn nguyên liệu
40% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nhận định, triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi năm 2023 là tăng trưởng khả quan và có tốc độ tăng trưởng cao trong 5 năm tới. Theo phân loại đối tượng sử dụng, phân khúc thức ăn gia súc dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với sự gia tăng trong chăn nuôi gia súc và thay đổi mô hình ăn uống trong nước. Công nghiệp hóa đã dẫn đến sự thu hẹp diện tích đất chăn thả gia súc và do đó nhu cầu về thức ăn gia súc đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Phân khúc thức ăn chăn nuôi dành cho lợn được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường về doanh thu vào năm 2028.
Về nguyên liệu, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó hơn nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.
Yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là mức tiêu thụ gia cầm và thịt gia súc của Việt Nam ngày càng tăng. Điều này đến từ mức thu nhập bình quân ngày một cải thiện, từ đó nâng cao sức mua của người dân.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giá thức ăn chăn nuôi thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục bị ảnh hưởng vì Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu.
Trước những thách thức này, giới chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước cần nghiên cứu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành thức ăn chăn nuôi, tuyên truyền cho người chăn nuôi thay thế một phần bằng những phụ phẩm sẵn có ở địa phương, như bã bia, bã bột dừa, bèo rau, cám gạo... Cùng với đó, các DN trong nước cũng cần chủ động hơn trong sản xuất, đẩy mạnh đầu tư, phát triển công nghệ...
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ và các ngành chức năng vẫn đang chỉ đạo phát triển xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để có thể chủ động một phần, giảm áp lực cho ngành chăn nuôi.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi lợn và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, với khoảng từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.