Trong Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo; trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%. Ðặc biệt, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu là 20%.
Nâng giá trị hạt gạo
Ghi nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa gạo của cả nước cho thấy tại tỉnh Sóc Trăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản ngày càng tăng. Toàn tỉnh có diện tích canh tác hằng năm hơn 350.000ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn lúa mỗi năm; trong đó lúa đặc sản chiếm hơn 51%. Nhờ sự tích cực triển khai kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân, những năm gần đây nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ đã hình thành. Ðiển hình như HTX nghiệp Hưng Lợi, xã Long Ðức, huyện Long Phú. Qua thống kê 4 năm gần đây, tổng diện tích ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa của HTX đạt hơn 3.900ha, sản lượng cung ứng 29.500 tấn lúa, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao.
Chia sẻ với phóng viên, nông dân Trần Văn Quang, ngụ tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) phấn khởi nói, gần đây giá gạo Việt Nam xuất khẩu đã vượt qua Thái Lan. Người nông dân vui mừng nhất là khi sản xuất lúa trúng mùa, lại bán được giá cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá cao từ đó nông dân cũng có lời và yên tâm liên kết sản xuất.
Liên kết bền vững
Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo đang là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao giá trị hạt gạo; tỉnh Đồng Tháp đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua HTX và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Điển hình là mô hình liên kết của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp. Những ngày cuối năm chúng tôi có dịp ghé thăm HTX được ông Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II chia sẻ: HTX thực hiện liên kết sản xuất từ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm đầu ra với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cửu Long Seed với diện tích hằng năm trên 1.000 ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam với diện tích trên 900ha/năm. Nông dân tham gia sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm được công ty thu mua lúa cao hơn từ 900 - 1.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu hoạch.
Liên kết làm ăn hiệu quả và bền vững với nông dân hơn 10 năm qua, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có nhiều sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng được những thị trường khó tính nhất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ Phạm Thái Bình cho biết hiện nay thị trường xuất khẩu gạo khá rộng và đa dạng, cơ cấu thị trường có xu hướng chuyển dịch giảm tỉ trọng thị trường châu Á, chuyển sang các thị trường châu Âu, châu Phi. Đây là cơ hội thấy rất rõ cho gạo Việt. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cũng dần chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các loại gạo có giá trị gia tăng cao, giảm tỉ trọng các loại gạo phẩm cấp thấp.
Nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam
Câu chuyện về xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng nhiều gian nan nhưng đã khẳng định được một thương hiệu gạo chất lượng trên thị trường thế giới. Sau khi gạo thơm ST25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và các năm tiếp theo lọt vào top 2, 3 và 4, hạt gạo Việt đã vươn tầm, được người tiêu dùng thế giới đón nhận, ngay cả những thị trường khó tính nhất như Anh, Nhật Bản hay Úc.
Để xuất khẩu gạo bền vững, ông Cua cho rằng phải xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và cần có chiến lược quảng bá, tiếp thị mang tầm cỡ quốc tế. Cũng theo ông Cua “có thương hiệu gạo quốc gia rồi thì cần quản lý chặt, tránh tình trạng gian lận thương mại”.
Tín hiệu rất vui cho hạt gạo Việt là giữa năm 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hoàn tất xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - “Cơm Việt Nam Rice”- sang thị trường châu Âu. Đây là dấu mốc lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của tập đoàn cũng đánh dấu một thương hiệu hạt gạo Việt mới trên thị trường chất lượng cao.
Giám đốc Xuất khẩu Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đã xuất khẩu sang thị trường Pháp, Ðức, Hà Lan. Toàn bộ các lô hàng này được vận chuyển bằng đường biển, bảo đảm về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Riêng lượng gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour- hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu. Dự kiến tới đây, thương hiệu gạo này sẽ được tiếp tục phát triển vào thị trường Mỹ và các nước khác trong khối EU.
Như vậy, sau rất nhiều năm xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn “hữu danh, vô thực” hoặc phải đóng gói dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài, gạo Việt Nam đã từng bước được nhận diện bằng tên riêng với những thương hiệu đồng nhất “made in Vietnam”.
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng cần phải tính toán lại về cách tiếp cận thương hiệu gạo. Thứ nhất về thương hiệu quốc gia đây là đương nhiên; thứ hai là thương hiệu mang tính vùng miền, đặc biệt với cây lúa không thể bỏ qua thương hiệu Mekong Delta; thứ ba là thương hiệu của doanh nghiệp. Như vậy ở 3 cấp độ này phải có được một thương hiệu hội tụ đủ tích hợp được cả 3 giá trị của nó, vừa tài sản vô hình vừa là tài sản hữu hình và không phải ngày một ngày hai mà có được. Thương hiệu đó luôn gắn liền với người tiêu dùng. Sản phẩm gạo mà đứng hàng nhất nhì thế giới nhưng khách hàng họ không có nhu cầu thì cũng không có giá trị.