Đảm bảo chất lượng hạt gạo cùng với giấy thông hành từ Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp gạo Việt vừa tăng về lượng, vừa có chỗ đứng vững chắc ở thị trường EU.
Gạo Việt vào EU tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 2/2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU đạt 28.890 tấn, trị giá 20,3 triệu USD, tăng 75,2% về so với quý 2 năm ngoái. Như vậy, chỉ sau 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đạt 50.221 tấn, trị giá 36,6 triệu USD, tăng 84,3% về lượng và 95,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều ý kiến cho rằng, với giấy thông hành từ EVFTA, xuất khẩu gạo sang thị trường EU có nhiều khởi sắc so với trước đây.
Mừng vì sản phẩm gạo Việt được thị trường EU tin dùng, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, đơn vị đã xuất khẩu 1.000 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm VietNam Rice vào hai chuỗi bán lẻ lớn của Pháp. Đó là hệ thống đại siêu thị Leclerc - hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp và siêu thị Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu. Ngoài thị trường xuất khẩu Pháp, thương hiệu Cơm VietNam Rice đã đến với thị trường Đức, Hà Lan... Theo kế hoạch, các đối tác châu Âu tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo để xuất trong năm 2022 và 2023. Được biết, sau khi EVFTA có hiệu lực, Lộc Trời là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên. Đến nay, đơn vị này đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn sang thị trường EU.
Không chỉ có gạo của Lộc Trời vào thị trường EU, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho hay, hiện toàn bộ gạo của công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Giá gạo của Trung An vào thị trường này có mức giá khá cao, khoảng 1.000 USD/tấn.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 4 tháng đầu năm 2022, EU đã nhập khẩu 2,79 triệu tấn gạo, trị giá 2,08 tỷ Euro, tăng hơn 26% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo vào EU với khối lượng lên đến 70.655 tấn, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, Italy trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại EU. Theo Hiệp hội Nông dân Italy, tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nước này đã khiến sản lượng gạo và lúa mì giảm khoảng 30%. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, gạo Japonica Việt Nam chất lượng không thua kém gạo cùng loại của Mỹ, Tây Ban Nha... nhưng giá chỉ bằng 1/3 - 1/2. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử các doanh nghiệp (DN) đều hào hứng với gạo này của Việt Nam.
Đảm bảo chất lượng gạo mang thương hiệu Việt
Thực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các lợi thế từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính là châu Âu. Theo cam kết từ EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Trong đó bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Dự báo, trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU tiếp tục tăng cao nhờ lực đẩy từ EVFTA và nhu cầu của thị trường đang tăng lên.
“Niềm vui của ngành lúa gạo Việt Nam chính là sản phẩm gạo Việt thâm nhập được thị trường khó tính như EU. Mong rằng, thời gian tới nhiều doanh nghiệp nâng cao chất lượng gạo để đón nhận sự lựa chọn, tin dùng từ các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng phát triển” - GS.TS Võ Tòng Xuân nói. Theo ông Xuân, muốn xuất khẩu vào những thị trường cao cấp và khó tính ngoài chất lượng gạo, DN cũng phải đáp ứng đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu đưa ra. Mặc dù, được đánh giá là thị trường tiềm năng cho mặt hàng gạo, song tiêu chuẩn đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này rất khắt khe; các nước kiểm tra rất kỹ dư lượng thuốc trừ sâu được cho phép trong sản phẩm gạo xuất khẩu sang EU. Vì vậy, gạo thường xuyên được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra. Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của nhiều nước còn lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ. Nếu sản phẩm vi phạm, DN nhập khẩu và phân phối phải thông tin thu hồi sản phẩm. Sau đó, các mặt hàng tương tự của DN nhập khẩu và phân phối sẽ bị kiểm tra tại kho. DN xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, ngay từ năm 2016, tập đoàn đã chuyển đổi hoạt động trồng trọt, chế biến và đóng gói, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Tập đoàn đã phải quy hoạch lại vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và quan trọng hơn là đã áp dụng thành công mô hình sản xuất, canh tác không phát thải carbon. Về phía công ty gạo Trung An, theo ông Phạm Thái Bình, dù lượng gạo xuất vào EU chưa thật nhiều nhưng giá trị hạt gạo ở mức cao. Vì vậy, EU là thị trường tiềm năng cho DN có vùng nguyên liệu lớn, đạt chuẩn chất lượng.