Sản lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn khẳng định vị thế trên thương trường. Thế nhưng, gạo Việt đang cần sự bảo đảm về “chất” mới mong tính bền vững trong cạnh tranh toàn cầu. Thiếu sản phẩm chất lượng cao, yếu về hệ thống phân phối đang là những rào cản lớn đối với gạo Việt Nam trong công cuộc chinh phục, mở mang ở thị trường các nước.
Gặp không ít khó khăn song gạo Việt vẫn gia tăng lượng xuất khẩu. (Ảnh: TL).
Thiếu gạo chất lượng cao
Đã có thời điểm gạo Việt tiếp cận vị trí “ứng cử viên số 1 của thế giới”. Vậy mà vài năm trở lại đây, gạo Việt vẫn loay hoay, đuối sức, tụt hạng trầm trọng trong khi gạo của các nước khác liên tục tăng trưởng và phát triển.
Sau 30 năm phát triển, xuất khẩu gạo Việt Nam đến nay các cơ quan hữu quan nhận thấy hai điểm mấu chốt nhất bị bỏ quên dẫn đến tình trạng thị trường tiêu dùng nhiều nước khó chấp nhận, đó là thiếu gạo ngon và yếu về hệ thống phân phối. Hai tồn tại cố hữu trên vô hình trung kiềm chế sự phát triển của ngành lúa gạo.
Thay vì thu về giá trị gia tăng cao doanh nghiệp xuất khẩu chỉ trông chờ vào sản lượng xuất khẩu gạo tầm trung. Kết quả sau nhiều năm nỗ lực xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kêu gọi sản xuất lúa tập trung, chế biến theo công nghệ bóc tách hiện đại… đến nay tỷ lệ gạo ngon tham gia xuất khẩu chỉ dừng lại ở mức 25%.
Nhìn nhận về chất lượng gạo Việt, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ quan khó bỏ là mấy chục năm nay là do gạo Việt Nam đang bị thương lái xáo trộn thành “một mớ bòng bong”. Và, gạo Việt vuột xa “ngôi vị quán quân” mặc dù nguồn nguyên liệu rất lớn.
Điển hình, gạo 50404 của Việt Nam được các nước nhập khẩu nhận định là một loại gạo ngon nhưng nghịch lý ở chỗ, nông dân không có giống thuần khiết. Trong khi mấy chục năm nay gạo Việt cứ loay hoay nâng tầm chất lượng hạt gạo, đồng thời xây dựng thương hiệu thì gạo Campuchia, Myanmar, Lào... lại “dậy sóng” trên thị trường các nhà giàu như: Mỹ, EU với sản phẩm gạo thơm. Gạo Campuchia, Myanmar, Lào biết làm thương hiệu từ khâu chọn giống, vùng nguyên liệu cho đến trang thiết bị chế biến hiện đại tạo ra những sản phẩm ngon, sạch, giá cả hợp lý.
Mong muốn cải thiện chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, các doanh nghiệp đầu ngành đang soạn thảo một chương trình hành động cụ thể với hai mục tiêu cơ bản: xây dựng chuỗi lúa gạo khép kín và xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia. Trong đó, sẽ liên kết để ngân hàng thương mại cung ứng vốn nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo từ khâu sản xuất giống đến khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu.
Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, hiện nay tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), việc xây dựng nhãn hiệu gạo được triển khai theo hai cấp. Cấp 1 là nhãn hiệu riêng từng loại gạo đặc sản địa phương, cấp 2 xây dựng thương hiệu gạo tầm quốc gia. Ông Năng hy vọng, chương trình hành động cụ thể về xây dựng thương hiệu sẽ tạo ra những sản phẩm gạo chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Gạo Việt đang bị “thay tên, đổi họ” ở nhiều thị trường.
Xốc lại hệ thống phân phối
Nhìn nhận về đường đi của hạt gạo trên thị trường quốc tế, mới đây, nhiều tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhận định, năm nay ngành lúa gạo tiếp tục gặp khó khăn vì phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đáng gờm. Điển hình, Thái Lan tồn nhiều gạo nhưng Chính phủ đang lên kế hoạch thu hút khách mua với hình thức đấu thầu với giá rẻ. Gạo Pakistan ồ ạt đổ vào Đông Phi do những thuận lợi trong khâu vận chuyển. Gạo trắng và gạo tấm của Ấn Độ lại độc chiếm thị trường Tây Phi…
Trong khi gạo Việt Nam khó khăn chen chân vào các thị trường này bởi khoảng cách về địa lý đang tăng chi phí vận chuyển. Trường hợp vào được một số thị trường khác trong khu vực thì gạo Việt Nam lại phải qua khâu trung gian. Riêng các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ… gạo Việt không cạnh tranh nổi với gạo Campuchia và mới đây nhất là gạo Lào.
“Đường đua” xuất khẩu gạo ra thị trường quốc tế khó khăn và gian nan song gạo Việt vẫn gia tăng lượng xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên nghịch lý đang tồn tại ở chỗ, mặc dù nổi danh là nhà xuất khẩu gạo với sản lượng lớn song thương hiệu gạo Việt chưa có chỗ đứng trên thị trường các nước.
Đơn cử, tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… hầu hết trong các kệ của siêu thị không thấy xuất hiện sản phẩm gạo “made in Viet Nam”. Thậm chí, tại thị trường Trung Quốc, gạo Việt Nam xuất khẩu vào nhưng không bán ngay mà phải trải qua quá trình “thay tên đổi họ”. Thương lái tiến hành trộn gạo Việt với gạo trong nước để cho ra đời một sản phẩm thứ ba.
Nhìn nhận từ thực tế phát triển thị trường của gạo trong nước thấy rõ, Việt Nam không biết cách thâm nhập, phát triển thị trường. Điểm hạn chế của doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần biết hàng đã cập bến, giao xong cho bên mua là xong chuyện. Hàng hóa đó đi đâu, về đâu doanh nghiệp không cần biết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như doanh nghiệp muốn sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thì cách thức kinh doanh kiểu này hoàn toàn sai lầm. Doanh nghiệp cần ký kết và xác lập ngay hệ thống phân phối hàng hóa các cấp, giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng tại thị trường xuất khẩu để xác lập vị trí gạo Việt trong đầu người tiêu dùng các nước.
Thậm chí, doanh nghiệp phải thường xuyên thăm dò và đánh giá thị trường nhằm nhận biết ưu điểm để phát huy và hạn chế những nhược điểm bất lợi. Điều quan trọng hơn cả trong phát triển thị trường là phải xây dựng cam kết đảm bảo nguồn gốc hàng hóa của bên bán.
Gạo Việt thâm nhập vào nhiều thị trường các nước với con số khá ấn tượng, nhưng đang cần khẳng định vị thế thương hiệu trong lòng người tiêu dùng các nước. Và, việc giải bài toán gia tăng chất lượng sản phẩm cùng việc tổ chức phân phối phù hợp đang trở thành vấn đề cấp bách.