Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật vừa cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại thị trường “khó tính” Nhật Bản.
Trước đó, vải thiều của Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới.
Liên quan tới các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được thực thi, mở ra nhiều cánh cửa sáng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ.
Theo Bộ Công thương, trong nội dung thực hiện các cam kết giữa hai bên, về mặt sở hữu trí tuệ, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (Việt Nam đề nghị 41 chỉ dẫn địa lý và được EU chấp nhận 39 địa chỉ). Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu là hàng rau quả (chiếm 49%), còn lại sản phẩm cây công nghiệp - chế biến: Chiếm 15%, thủy sản và chế biến từ thủy sản: 13%, sản phẩm khác: 13%.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ tới 169 chỉ dẫn địa lý của EU. Các sản phẩm được bảo hộ chứng nhận chỉ dẫn địa lý của EU sản phẩm chủ yếu là rượu và phomat, rất ít các sản phẩm tươi sống.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, EVFTA hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho EU cũng như Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan đến nông sản, thực phẩm - đây cũng là cơ hội để các sản phẩm chủ lực của Việt Nam có thể gia nhập thị trường EU và khẳng định thương hiệu tại thị trường này.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Việt Nam còn quá ít sản phẩm tham gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương có thể đăng ký bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản. Nhưng mới chỉ có 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Ngoài ra có trên 150 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ.
Nguyên nhân khiến số lượng chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ chưa nhiều bởi ý thức của người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng trong việc bảo vệ danh tiếng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chưa cao. Đặc thù quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khu vực địa lý phân tán nên sản phẩm không đồng đều. Hệ thống kiểm soát, chứng nhận sản phẩm chưa có kinh nghiệm, thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Trong khi đó, nếu được bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá trị sản phẩm tăng gấp nhiều lần (như: cam Cao Phong có giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%...)
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng hệ thống pháp lý ở cấp độ quốc gia và cần có hướng dẫn chung trong quản lý chỉ dẫn địa lý, hình thành các quy định về kiểm soát chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó cần hỗ trợ, thúc đẩy chỉ dẫn địa lý trên thị trường thông qua việc xây dựng các dấu hiệu nhận diện chung đối với chỉ dẫn địa lý (logo quốc gia); giới thiệu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chỉ dẫn địa lý. Thúc đẩy hình thành các kênh phân phối đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và thúc đẩy kiểm soát thị trường, xử lí vi phạm.
Nhấn mạnh việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý chính là yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững, có ý kiến đề xuất: Xây dựng mô hình chuẩn về xây dựng, quản lý, khai thác các sản phẩm có tiềm năng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đưa cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào một phần trong chính sách phát triển nông nghiệp. Xúc tiến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài cho những nông sản đã đăng ký bảo hộ trong nước, đặc biệt ở những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống như Mỹ, Pháp, Đức, Nga...
Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát lại các đặc sản để tiến hành các thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, đồng thời cần tăng cường công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý trên địa bàn nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Về việc cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Trong quá trình xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công tác xây dựng các văn bản pháp lý còn lúng túng, cả về tên gọi, số lượng và nội dung của văn bản… Nhiều quy định chưa thực sự phù hợp với quy định pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương. Các giải pháp về quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý trên thị trường chưa mang lại hiệu quả, chỉ dẫn địa lý ở nhiều nơi chưa phát huy được giá trị và lợi ích đối với cộng đồng.