Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao và kéo dài tại nhiều quốc gia thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn dự kiến đạt khoảng 8%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức, cần nhiều nỗ lực để tiếp đà tăng trưởng trong năm 2023.
Báo cáo tháng 11/2022, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,2% và sẽ hạ xuống mức 2,7% vào năm 2023. Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 chỉ đạt 2,8%. Fitch Ratings dự báo chỉ đạt 2,4% và OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển) dự báo đạt 3%.
Như vậy, các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt từ mức 2,4%-3,2%, mức này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu giai đoạn 2000-2021 là 3,6%.
Cũng trong tháng 11/2022, IMF dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 sẽ tăng lên 8,8% từ mức 4,7% năm 2021; các nước mới nổi và đang phát triển có tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất từ mức 5,9% năm 2021 lên mức 9,9% năm 2022; trong khi các nước phát triển dự báo tăng từ mức 3,1% năm 2021 lên 7,2% năm 2022. Lạm phát là dấu hiệu bất ổn vĩ mô nổi bật nhất năm 2022.
Những con số biết nói
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt khoảng 8%. Mức tăng trưởng này được đánh giá cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên tăng trưởng Việt Nam cả năm nay trong khi nhiều quốc gia khác bị điều chỉnh giảm. Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại… thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á”.
Còn theo ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, cơ bản, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành giá mới, cùng với đó nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia đang phát triển và mới nổi ở châu Á đang phải trải qua cú sốc này rất lớn. Ưu tiên với Việt Nam lúc này là làm sao giữ được mặt bằng lãi suất, thị trường vốn ổn định, hỗ trợ, tạo thặng dư trong sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được báo chí quốc tế nhận định lạc quan, bền bỉ, tuy rằng sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức khó khăn thời gian tới. Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất tươi sáng với sức tiêu dùng nội địa mạnh, cùng đầu tư nước ngoài ổn định và duy trì thặng dư trong cán cân thương mại - nhận định từ trang NASDAQ. Bài báo cũng cho biết, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo vượt 8% vào năm 2022 - 1 trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.
Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng gần 9%, số doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động gần 57 nghìn DN và trên 137 nghìn DN thành lập mới; xuất khẩu tăng 11,8%, cán cân thương mại thặng dư 1 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 20,5%; thu ngân sách tăng 17,4%%, cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 bội thu gần 280 nghìn tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong 5 năm gần đây; CPI được kiểm soát ở mức bình quân là 3,02%; lạm phát cơ bản là 2,38%; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt mức cao nhất trong 11 tháng của 5 năm trở lại đây khi ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác. Qua đó, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Dự báo đến hết năm 2022, chúng ta có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế: Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức để có được con số tăng trưởng đầy ấn tượng.
Ông Bill Winters - Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered nhận định: Việt Nam hiện đang duy trì sự cân bằng về cán cân thương mại, tiếp tục xuất siêu trong thời gian vừa qua nhờ tăng trưởng xuất khẩu cả về số lượng và giá trị hàng hóa. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào nên có đủ dư địa để hỗ trợ tỷ giá. Thời gian tới, áp lực đối với đồng tiền Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến khi lạm phát hạ nhiệt.
Vẫn nhiều thách thức
Mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong năm 2022 nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài trong khi vốn của các nhà đầu tư FDI chủ yếu là vốn vay. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp.
Đánh giá dựa vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm cho thấy các doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử, sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su - nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.
Về sản xuất của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp; khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn. Trong khi đó, xuất nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào một số khu vực thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và EU, đặc biệt là phụ thuộc nhập khẩu từ khu vực thị trường châu Á (chiếm xấp xỉ 80%); các thị trường chưa có FTA như khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, Bắc Âu, Đông Âu (mới chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu) vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng xuất khẩu.
Thách thức nhiều nên “thời gian tới, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành” - Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Sắp diễn ra Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm
Để góp phần triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các nghị quyết, kết luận của Đảng; đồng thời, cung cấp thêm luận cứ cho Chính phủ trong xây dựng và triển khai Nghị quyết đầu năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” vào ngày 17/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, CPI so với cùng kỳ năm trước tăng là 4,37% và con số 4,37% này cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu so với các nước trên thế giới thì mức lạm phát của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp. Có được những con số tăng trưởng ấn tượng đó, trước hết phải kể đến sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các chính sách kích thích phục hồi và phát triển kinh tế và sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.