Thời tiết khắc nghiệt, giá năng lượng tăng, thiếu lao động, sự tắc nghẽn và gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra là những yếu tố đã khiến giá lương thực bị đẩy lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua.
Ở châu Á, nhiều nền kinh tế đã tránh được điều tồi tệ nhất đến từ dịch Covid-19, nhưng tính chất đa dạng của các nền kinh tế châu Á - trải dài từ những nước và vùng lãnh thổ phát triển như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc), đến nước có thu nhập trung bình cao như Malaysia, nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ và Philippines - đã khiến mỗi nước bị ảnh hưởng theo một cách riêng.
Định nghĩa “thiếu ăn” đã thay đổi
Ông Lai Chin Hooi, chủ quầy bán rau ở một khu dân cư phía Đông Singapore nhận thấy, người mua đang thưa dần khi giá cả tăng vọt. “Giờ đây, mọi thứ đều đắt đỏ và việc kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Trong 6-7 năm buôn bán ở đây, năm nay giá tăng mạnh nhất”, ông Lai Chin Hooi ở Mandarin cho biết.
Ông Lai cho rằng, các trận lũ lụt bất thường và phí vận chuyển tăng là nguyên nhân khiến giá rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc, như bông cải xanh, đã tăng 30 - 40% trong vài tuần gần đây. Ông Lai cũng nhập rau từ Malaysia, Indonesia và Thái Lan, nhưng giá tăng ở mức dễ chịu hơn.
Số liệu từ chính phủ Singapore cho thấy, lạm phát lương thực đã tăng 1,6% trong tháng 9, so với 1,5% của một tháng trước đó. Nhưng một số mặt hàng thực phẩm đã vượt xa con số này. Ví dụ, vào tháng 6, một kg nho có giá 8,12 USD, nhưng tăng lên 11,58 USD vào tháng 9. Giá nhiều loại rau cũng tăng khoảng 15% trong cùng giai đoạn.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng xuất phát từ đại dịch và lũ lụt ở Trung Quốc và Ấn Độ đã ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Các yếu tố khác như nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng khi các nước phục hồi sau đại dịch cũng đóng một vai trò nhất định. Tuy nhiên, Singapore không phải nơi duy nhất chứng kiến giá cả leo thang. Tại đặc khu Hồng Kông, các nhà phân phối thực phẩm và nhà hàng cũng đang gặp vô vàn khó khăn.
Vào tháng 9, chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald's ở Hồng Kông thông báo với khách hàng rằng, cánh gà chiên giòn của họ có thể sớm hết hàng vì gặp vấn đề về vận chuyển, trong khi các nhà cung cấp đã cảnh báo về giá bột mì, trái cây và rau quả nhập khẩu cũng như các sản phẩm sữa và rượu đều tăng. Với tỷ lệ lạm phát chung của thành phố đạt 1,4% trong tháng 9 và chỉ số giá tiêu dùng ở mức 1,6%, nguy cơ giá cả tăng cao đã hiện hữu và là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế.
Các tổ chức phi lợi nhuận ở Singapore cảnh báo rằng, những người bị mất việc làm trong đại dịch là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Bà Nichol Ng, đồng sáng lập của Ngân hàng Thực phẩm Singapore, cho biết, đã có một lượng lớn các gia đình gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong đợt bùng phát Covid-19 vào năm ngoái. “Định nghĩa về “thiếu ăn” đã biến đổi và nó không còn đơn giản hay rõ ràng nữa”, bà Nichol nói.
Những bữa cơm không thịt
Trong lễ Diwali vừa qua, thánh địa Ayodhya của đạo Hindu đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó bằng cách thắp sáng hơn một triệu cây đèn dầu, nhuộm cả thành phố và bờ sông bằng thứ ánh sáng màu hổ phách. Nhưng sau khi các chức sắc rời đi, những gia đình nghèo kéo theo con cái ra giữa cánh đồng nhặt đèn dầu. Dù ngọn lửa đã tắt nhưng trong đèn vẫn còn sót lại một ít dầu mù tạt, họ nhặt lấy và đổ vào chai mang về nhà dùng để nấu ăn. Họ phải làm điều này vì dầu mù tạt quá đắt đối với họ. Loại dầu có giá 240 rupee/lít (khoảng 3 USD) này đang trở nên xa xỉ với nhiều người. Năm ngoái, giá dầu mù tạt chỉ 150 rupee/lít.
Cô Kavita Verma, 42 tuổi, một nhà sản xuất tại New Delhi, Ấn Độ, từng sử dụng dầu mù tạt để nấu các bữa ăn của gia đình, nhưng giờ thì cũng không còn đủ khả năng chi trả. Giá dầu cọ tăng cao nhất trong một thập kỷ. Raj, chồng của Verma, làm việc trong một tòa soạn báo và mỗi khi anh đổ đầy nhiên liệu cho chiếc xe tay ga của mình để đi làm, túi tiền của anh dường như cạn kiệt. Giá xăng và dầu diesel tăng gần 35% so với một năm trước.
Ở Malaysia, nhiều người thuộc nhóm thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lượng thịt tiêu thụ.
Bà mẹ bốn con Saliya Zamidi, 47 tuổi, là trụ cột của gia đình kể từ khi chồng cô mất việc trong đại dịch. Cả Zamidi và chồng hiện đều làm những công việc lặt vặt để trả tiền thuê căn hộ, lo cho con đi học và nấu ăn. Nhưng với ba đứa con trong độ tuổi đi học từ 7 đến 17 tuổi, Saliya phải vật lộn để nấu những bữa cơm với thu nhập hàng tháng chỉ là 960 Ringgit (khoảng 230 USD - mức trung bình trên toàn quốc là khoảng 700 USD). Với một con gà có giá khoảng 12 USD, gia đình cô Zamidi đã quen với việc thay thế thịt bằng trứng, đậu phụ và rau.
Theo số liệu của chính phủ Malaysia, giá gà đã tăng khoảng 1% trong tháng 9. Bộ Thương mại Nội địa và Các vấn đề Người tiêu dùng cho biết, điều này một phần là do vấn đề nguồn cung đối với ngô và đậu nành nhập khẩu, cả hai đều được sử dụng làm thức ăn cho gà.
Còn tại thủ đô Manila của Philippines, một chiếc bánh pizza cỡ 18 inch dành cho 5 người của một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng có giá 1.000 peso (20 USD). Nhưng cũng với số tiền tương tự, có thể nuôi sống 150 người khác.
Đối với những người Philippines có tiền, đại dịch Covid-19 là một cơn thịnh nộ lớn. Nhưng đối với khoảng 21 triệu người - khoảng 17% dân số cả nước - từ ngày 28/4 đến ngày 2/5 năm nay là một kỷ lục cao nhất về “nạn đói không tự nguyện” kể từ khi nhà thăm dò tư nhân Social Weather Stations bắt đầu theo dõi nạn đói vào năm 1998.
Carlito Miniado, một thợ mộc 68 tuổi, cho biết, năm ngoái, 1.000 peso có thể mua thực phẩm cho gia đình 5 người trong một tuần, thì nay đã không còn đủ nữa. Vợ ông ốm liệt giường mấy tháng nay và thay vì đi làm, ông phải ở nhà chăm sóc vợ. Để có tiền cho các con, bữa ăn của gia đình ông Miniado thường là cơm với vài mớ rau và cá, hiếm khi có thịt lợn hoặc thịt gà “vì giá của chúng đã tăng vọt”.
Giới chuyên gia của Philippines ước tính, 17,3 triệu người Philippines bao gồm “70% gia đình nghèo nhất” đã mất trung bình tới 32.000 peso trong đại dịch.
Theo Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc, giá lương thực thế giới tháng 10/2021 chạm mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này đã tăng 3% so với tháng 9 và đáng kinh ngạc là tăng 31,3% so với tháng 10 năm 2020.