Giá cao khó với

Quang Minh 21/07/2017 08:35

Là sân vận động hoành tráng, tiện nghi và đẹp nhất cả nước, nhưng không phải giải quốc tế lớn nào cũng được tổ chức tại sân Mỹ Đình. Nhiều trận đấu đã không thể diễn ra nơi đây chỉ vì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không chấp nhận cái giá thuê “cắt cổ”.

U22VN chịu thiệt lớn khi phải thi đấu trên mặt sân kém chất lượng.

Vấn đề lớn từ sân

Chứng kiến chiến thắng 4-0 trong trận ra quân của U22 Việt Nam với Timor Leste chiều 19/7 (vòng loại U23 châu Á), nhiều người không thể không cất lên những lời ngao ngán khi các cầu thủ phải thi đấu trên “thửa ruộng” sân Thống Nhất. Nhìn các cầu thủ U22 VN phải nhọc nhằn thoát được bàn thua đầu tiên cũng như từ bỏ hoàn toàn lối chơi đập nhả khiến không ai không thể đặt câu hỏi tại sao phải vào Nam thi đấu dưới thời tiết và mặt sân quá kém như vậy.

Kể từ ngày đầu tiên di chuyển vào TP HCM tập luyện tới trận đấu chính thức này thì mặt sân không đảm bảo luôn là điều gây lo lắng cho thầy trò Hữu Thắng. Họ phải bôn ba sang sân cỏ nhân tạo của Trung tâm thể thao Công an TP HCM, bắt xe xuống Bình Dương hay vào sân bóng của trường đại học RMIT để tập luyện. Hầu hết các sân đều không đảm bảo chất lượng, khiến Hữu Thắng chỉ còn biết “than trời”. Trên mặt cỏ gồ ghề, nhấp nhô, Đức Huy đã dính chấn thương đến mức phải rút khỏi danh sách đội tuyển. Chạy trên những mặt cỏ không bằng phẳng, lại di chuyển quãng đường dài để đảm bảo thời gian tập luyện, U23 Việt Nam khó khăn tinh thần thấy rõ.

Những ngày này, U22 Việt Nam phải thường xuyên thay đổi sân tập vì các lý do khác nhau. Đến ngay ở buổi tập cuối trước khi chính thức bước vào giải, Công Phượng và các đồng đội thậm chí còn không được tập trên sân chính vì sợ… hỏng cỏ.

HLV Hữu Thắng đã phải lên tiếng phàn nàn: “Một đội tuyển đại diện quốc gia mà phải lo sân tập từng ngày thì không tốt một chút nào”. Vì sao U22 Việt Nam lại phải chạy đôn chạy đáo tìm sân tập, lo sân thi đấu, trong khi chúng ta có hẳn một khu Liên hợp thể thao hiện đại ngay tại thủ đô Hà Nội? Nhiều cầu thủ cũng nói rằng họ thích được thi đấu ở Mỹ Đình vì không chỉ SVĐ đẳng cấp, mà mặt cỏ “xịn” cũng giảm nguy cơ chấn thương.

Những thách thức của U22 Việt Nam là điều ai cũng thấy, thậm chí là thấy từ trước. Tuy nhiên, VFF buộc lòng vẫn để đội tuyển “Nam tiến” và chấp nhận rủi ro. Theo kế hoạch đầu năm 2017, VFF đã làm việc với Ban Quản lý Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để tổ chức Vòng loại U23 châu Á 2018. Ở giải đấu này, U22 Việt Nam là chủ nhà bảng I, cùng với Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc) và Timor Leste. Với việc được thi đấu trên sân Mỹ Đình, nơi có mặt cỏ tốt nhất, khán đài nhiều chỗ và đi kèm với rất nhiều sự tiện nghi khác, thầy trò HLV Hữu Thắng không khỏi mừng thầm. Cũng nên nhớ rằng chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á cũng là hướng tới SEA Games 29, chỉ diễn ra sau đó 1 tháng.

Tuy nhiên, kế hoạch của VFF và thầy trò HLV Hữu Thắng đã đổ bể phút cuối. VFF phải chuyển địa điểm tổ chức giải vào TP.HCM, cụ thể tại sân vận động Thống Nhất. Chất lượng sân Thống Nhất so với sân quốc gia Mỹ Đình đương nhiên kém hơn nhiều.

Nửa năm không tổ chức trận đấu chính thức

Trả lời báo chí, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Việt Nam là chủ nhà Vòng loại U23 châu Á, nên BTC cần cân đối các khoản chi phí bỏ ra, để đảm bảo không bị lỗ quá nặng. Chúng tôi cũng có tính tới một số yếu tố khác, nên đã quyết định chọn sân Thống Nhất để đăng cai giải”.

Trong khi đó, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa nói thẳng rằng Mỹ Đình đã đưa ra mức giá hợp lý, và lựa chọn hay không tuỳ VFF. Cụ thể, từ mức thuê 3-400 triệu/trận, phía sân Mỹ Đình chỉ lấy mức giá 200 triệu đồng với VFF. Đây là số tiền mà ông Nghĩa cho rằng không đủ để trả tiền điện và các dịch vụ khác.

Người trong cuộc chia sẻ vậy, là từ trước tới nay, giữa Ban Quản lý Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và VFF hầu như chưa bao giờ có sự thống nhất cao về mức giá thuê sân. Đỉnh điểm nhất là hồi CLB Arsenal sang Việt Nam du đấu, Mỹ Đình từng hét giá gần 1 tỷ đồng, khiến VFF choáng váng. Còn nhớ khi đó, ông Cấn Văn Nghĩa đã nói câu: “Nhà có cỗ, bố mẹ được ăn cỗ thì cũng phải cho con ăn, chẳng nhẽ bắt con nhịn đói?”.

Có thể VFF đã không thuê sân Mỹ Đình tổ chức giải vòng loại U23 châu Á vì giá cao, nhưng chẳng lẽ sân vận động quốc gia lại cứ để “đắp chiếu” mãi? Thực tế thì tính ra từ đầu năm, sân Mỹ Đình chỉ tổ chức 1 trận đấu duy nhất cho các đội tuyển. Đó là trận giao hữu giữa U22 Việt Nam và U20 Argentina (ngày 14/5).

Gần nhất, đội tuyển Việt Nam đã phải chọn Thống Nhất làm sân nhà trong trận gặp Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019. Tuyển nữ còn thảm hơn khi chỉ được thi đấu vòng loại Asian Cup 2018 tại sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, nằm trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Điều đáng nói là trong khi các đội tuyển quốc gia phải thi đấu ở các sân kém chất lượng, thì những trận đấu V-League lại vẫn được tổ chức ở Mỹ Đình. Tất nhiên, chắc chắn các đội bóng đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê sân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá cao khó với

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO