Chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, song vẫn cần phải có lộ trình, tiến tới người mua điện được chọn người bán điện, được thoả thuận về giá. Đó là ý kiến tại tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam”, chiều 6/3.
Thị trường cạnh tranh sẽ kéo giảm giá điện. Ảnh: Quang Vinh.
Biểu giá mới khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện
Bộ Công thương đang lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức và địa phương về 5 phương án cải tiến Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trong đó, Bộ kiến nghị lựa chọn phương án biểu giá điện 5 bậc theo kịch bản 2: Bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Nêu quan điểm của mình, TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho rằng, các phương án mà Bộ Công thương đề xuất đã tính toán kỹ nhằm mục tiêu cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Với các phân tích kỹ lưỡng từng ưu nhược điểm, Bộ đã chọn phương án khả thi nhất, hợp lý nhất. Ông Thỏa cho rằng, không thể kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích và đảm bảo hài hòa nhất cho cả người tiêu dùng, ngành điện cũng như Nhà nước.
Do đó, ông Thỏa bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 5 bậc biểu giá điện mà Bộ Công thương đề xuất. Đối với thắc mắc của nhiều người dân về việc, tại sao chúng ta không chọn phương án 1 bậc giá điện duy nhất, ông Thỏa cho hay, để đảm bảo đủ điện, ngành điện trong những thời gian cao điểm vẫn phải huy động những nguồn điện giá cao, như chạy dầu. Vì thế phải tạo ra các bậc thang giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh. Thứ hai là nguồn cung về điện hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu và nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới đã được đặt ra. Thứ ba, điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu khí..., có nguy cơ cạn kiệt. Đây là quy luật khan hiếm tài nguyên và càng dùng nhiều càng đắt. “Do vậy, áp dụng biểu giá 5 bậc thang để khuyến khích người dân tính toán dùng điện cho hợp lý nhất” – vị chuyên gia nêu quan điểm
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, giá điện bậc thang đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như một công cụ hữu hiệu để điều tiết nhu cầu sử dụng điện. Theo ông Long, ưu điểm của phương án nhiều bậc thang là những hộ chính sách, hộ nghèo, hộ tiêu thụ ít điện sẽ được ưu đãi, còn người tiêu thụ nhiều điện sẽ phải trả cao do đó, những người sử dụng nhiều điện sẽ tự điều tiết để tiết kiệm. Bởi vậy, việc đưa ra phương án 5 bậc là cách để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện.
Biểu giá điện phải đảm bảo hài hòa cho các đối tượng tiêu dùng.
Hướng tới thị trường điện cạnh tranh
Điện được coi là hàng hóa đặc biệt, qúa trình sản xuất, truyền tải phân phối diễn ra đồng thời. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang nhằm phù hợp đặc điểm và khuyến khích tiết kiệm điện. Tại buổi tọa đàm, một vấn đề được nêu lên là: Có nên điều chỉnh giá điện thường xuyên hơn so với cách điều chỉnh hiện nay hay không? Có ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh giá điện theo mùa hoặc 2-4 lần/năm, có thể lên hoặc giảm tuỳ vào chi phí đầu vào. Điều chỉnh như vậy giá sẽ lên, giảm từ từ, chứ không gây sốc cho người tiêu dùng vì bị “nén” quá lâu.
Theo ông Trần Đình Long, cách điều chỉnh giá điện như hiện nay đang gây khó cho ngành điện. Phân tích rõ hơn về quan điểm của mình, ông Long cho hay: Chúng ta luôn khẳng định là xây dựng kinh tế thị trường, thì bản chất của kinh tế thị trường là đầu vào đầu ra phải tương ứng với nhau. Khi đầu vào thay đổi, đầu ra buộc phải thay đổi. Song, nhìn lại thời gian qua, chu kỳ điều chỉnh giá điện như hiện nay đến 2-3 năm mới thay đổi một lần, như vậy là giá bị kìm lại một cách không tự nhiên. Kìm lại trong khi giá năng lượng lên liên tục, dẫn đến khi giá điện được điều chỉnh thì “vọt lên” một bước lớn, gây “sốc” DN, người tiêu dùng. “Tôi cho rằng nên điều chỉnh giá điện điều độ khoảng 6 tháng lần. Tại sao các ngành khác vẫn điều chỉnh đều đặn mà riêng điện thì không?” – ông Long đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Nguyễn Tiến Thỏa, nếu xét theo nguyên tắc về giá, khi đầu vào biến động thì đầu ra cần điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, điện là đầu vào cả nền kinh tế, nếu cứ biến động liên tục thì DN khó có thể chủ động được, dễ dẫn đến rủi ro, và hộ tiêu thụ ít liệu có được hưởng lợi?