Ngày 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo diễn ra tại 3 điểm cầu Hà Nội; Huế; TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới có vai trò đặc biệt quan trọng.
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị “dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam. “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam. Những giá trị cao đẹp, bền vững nào trong quá khứ phải được bảo vệ, phát huy để nó không chỉ là di sản nhằm chiêm ngưỡng mà phải trở thành sức mạnh nội sinh trong phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam đương đại và tương lai” - ông Dũng nhấn mạnh.
Theo GS.TS. Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. “Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại” - ông Quý lưu ý.
Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, ông Hồ Bá Thâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TPHCM cũng cho rằng, muốn các giá trị con người Việt Nam đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa thành chuẩn mực phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh. Chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của mọi người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn.
TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, lưu truyền, lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc và là vấn đề hệ trọng của dân tộc. Gia đình hạnh phúc là mục tiêu cũng là động lực của sự phát triển. Theo bà Ánh, xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ song vẫn giữ vững được đậm đà, đa dạng, bản sắc văn hóa dân tộc.
Chỉ rõ thực trạng hiện nay tỷ lệ bạo lực gia đình, và tỷ lệ ly hôn gia tăng, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy kéo theo như việc chăm sóc, giáo dục con cái chểnh mảng, tỷ lệ bạo hành trẻ em cũng tăng theo; do đó, theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình.