Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên. Cụ thể, giá lúa loại thường tại ruộng cao nhất là 5.250 đồng/kg, giá bình quân là 5.092 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg. Giá lúa loại thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.288 đồng/kg, tăng 113 đồng/kg. Cùng với đó, giá các loại gạo cũng tăng nhẹ.
Đó là tin vui cho người trồng lúa, nhưng cũng không đủ để xua đi nỗi lo rớt giá của người trồng rau củ quả và nhất là người chăn nuôi. Thực tế cho thấy, kể từ đầu tháng 10 tới nay giá rau củ quả, giá gà, lợn xuất chuồng liên tục đi xuống, khiến người nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhưng, điều đáng nói là giá rau củ quả, giá thịt gà, thịt lợn ở các chợ lại cao.
Rau xanh rất dễ già cằn, hư hỏng, chỉ cần sau một vài hôm đến kỳ thu hoạch không bán được thì đã coi như bỏ. Gà, lợn không như vậy nhưng nếu đã đến lúc xuất chuồng mà không bán được thì “lỗ sẽ chồng lỗ” vì người chăn nuôi vẫn phải cho chúng ăn hàng ngày, trong khi giá thức ăn gia súc lại cao.
Những ngày qua, giá lợn hơi xuất chuồng đã “thủng đáy”. Có lúc giá 1kg lợn hơi chỉ còn 28.000 đồng. Còn bình quân trong 10 ngày qua, giá lợn hơi ở vào khoảng từ 32.000 đồng đến 38.000 đồng/kg. Theo người chăn nuôi, với giá này bà con lỗ khoảng 1 triệu đồng/con lợn trên dưới 100kg khi xuất chuồng. Mức giá này chỉ bằng khoảng 60% vào thời điểm giữa năm 2020, cũng là thời điểm có dịch.
Khi lợn đã đến kỳ xuất chuồng mà không bán được thì càng nuôi càng lỗ nặng. Không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả các trang trại cũng rơi vào tình thế khó khăn. Khi giá xuất chuồng xuống thấp thì lại càng khó bán, khiến nỗi lo âu càng kéo dài thêm. Đại diện Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đồng Nai cho biết, lợn quá lứa chỉ bán được quãng giá 36.000 đồng/kg, đã thế lại phải khuyến mãi.
Trong khi đó, giá các loại thịt lợn đều ở mức trên 100.000 đồng/kg. Điều đó có nghĩa là giá thịt lợn từ người chăn nuôi đến mâm cơm mỗi gia đình cao hơn ít nhất là 3 lần. Theo ông Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, với mức giá lợn hơi như hiện nay thì giá bán lẻ thịt lợn trung bình ở mức 80.000 đồng/kg “mới phải”. Còn nói như ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì việc giá chênh quá cao là vô lý, bất bình thường.
Một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi đi xuống được cho là lượng nhập khẩu thịt lợn thời gian qua quá nhiều. Từ đó, có ý kiến cho rằng cần ngưng nhập khẩu để “cứu” người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm 3,6% trên tổng lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2021.
Theo giới chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch giá thịt lợn quá lớn (từ sản xuất tới tiêu thụ) chính là ở các khâu trung gian: thu mua, vận chuyển, giết mổ, bán lẻ. Mỗi khâu nâng lên vài ba giá thì khi một cân thịt lợn đến tay các bà nội trợ đương nhiên bị đẩy lên vài ba lần.
Cho dù đã “mở cửa” nhưng thực tế việc vận chuyển hàng hóa ở các địa phương cũng vẫn chưa trở lại như trước khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Các lò mổ cũng nơi mở nơi không, hoạt động dưới công suất. Nhiều người bán hàng ở các sạp ngoài chợ vẫn chưa quay lại kinh doanh.
Trong câu chuyện này, việc yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (có giá trị trong vòng 3 ngày), hoặc là yêu cầu đã tiêm vaccine cũng khiến số người vận chuyển và buôn bán ngoài chợ không nhiều. Khái niệm “đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa” thể hiện ở đây là rất rõ.
Chính vì thế, cần phải đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, cùng đó là giảm bớt yêu cầu khắt khe về xét nghiệm thì việc mở cửa mới thực sự ổn định. Điều đó lại càng quan trọng đối với người cung ứng, người bán hàng. Cùng đó, ý kiến cho rằng cần tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn cũng không phải là không có lý.