Giá gạo tăng, doanh nghiệp vẫn lo

THANH TIẾN 09/08/2023 10:00

Xuất khẩu gạo liên tiếp tăng cả về lượng và giá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại đang than gặp nhiều khó khăn vì đã ký hợp đồng từ trước dẫn đến giá thu mua cao hơn giá bán.

Nông dân thu hoạch lúa ở huyện Tịnh Biên (An Giang).

Doanh nghiệp than khó

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Giám đốc Công ty lương thực Ngọc Quang Phát cho biết, giá lúa gạo tăng mỗi ngày đang gây áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo. “Hiện những DN nào chưa ký hợp đồng xuất khẩu thì thời điểm này rất phấn khởi. Tuy nhiên, những DN đã ký hợp đồng rồi thì lại lo vì lỗ do giá thu mua cao hơn giá đã ký trước đó” - bà Huyền cho biết.

Với 10 năm tham gia thị trường lúa gạo, ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông (ORICO) cho hay: “Các DN đang đối mặt với chuỗi đứt gãy hiện hữu. Người nông dân bán giá cao thì rất mừng, nhưng ở khâu trung gian xảy ra tình trạng bán sang tay quá nhiều, thành ra các DN không lấy được hàng. Đứt gãy như vậy thì các DN không có hàng để giao sẽ ảnh hưởng hợp đồng. Cơ quan chức năng cần có biện pháp để bình ổn thị trường chứ như hiện nay người nông dân vui vì giá lên còn DN lại thua lỗ và khó thu mua” - ông Việt Anh nói.

Theo nhận định của ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá cả thị trường ổn định là điều mà các DN hiện nay đang rất cần. “Do ban đầu, các DN nhìn nhận là năm nay được mùa lớn và giá sẽ xuống nên khá nhiều DN đã ký hợp đồng trước. Trong kinh doanh xuất khẩu thì việc ký hợp đồng trước là đương nhiên. Đối với DN quan trọng là giá mua và giá bán có chênh lệch, cho nên điều mong muốn nhất là thị trường ổn định và đảm bảo cho người nông dân có giá tốt nhất. Khi giá ổn định thì các DN là cầu nối để cho hàng hoá ra thị trường nước ngoài, đảm bảo sản xuất lúa gạo ổn định” - ông Nam nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, qua thống kê, chỉ có 12% nông dân có ký kết tiêu thụ bán cho DN, 31% có ký kết bán qua hợp tác xã còn lại trên 50% là bán qua thương lái. Trong số 180 DN xuất khẩu gạo thì chỉ có 30 DN có liên kết sản xuất, còn lại 150 tự mua tự bán “trôi nổi” theo mùa vụ. Đây chính là lý do dẫn đến khi thị trường có nhu cầu lớn thì các DN khó tìm được nguồn cung và xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán.

“Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành nông nghiệp đang phối hợp cùng với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất cá thể vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Khi tập hợp được hộ cá thể vào làm ăn tập thể thì DN chỉ cần ký kết hợp đồng tiêu thụ thông qua các đầu mối này. Làm được như thế thì ngành hàng này mới có thể phát triển bền vững được” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Cần kiểm soát được khối lượng đã ký hợp đồng

Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho rằng, Bộ Công thương phải nắm rõ lại số lượng các hợp đồng đã được DN xuất khẩu gạo ký kết, tránh xảy ra tình trạng chênh lệch về cung cầu.

“Nắm lượng hợp đồng DN đã ký kết và cần thực hiện cũng rất quan trọng. Đây là việc giúp cho cân đối cung cầu, bởi vì nếu hợp đồng đã ký mà gần bằng lượng chúng ta có thể xuất được nhưng thời gian tới các DN tiếp tục ký thì có sự chênh lệch cung cầu trong nước.

Hiện nay các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ và các nước nhập khẩu như Malaysia, Philippines, Indonesia có những thay đổi rất lớn về chủ trương, chính sách trong công tác về xuất nhập khẩu. Ví dụ như Ấn Độ trong thời gian rất ngắn họ ra quyết định cấm xuất khẩu gạo. Các nước Malaysia, Philippines hiện nay lại có nhu cầu cao về nhập khẩu. Chúng tôi đề nghị Bộ Công thương có dự báo từ sớm, từ xa để các DN, các địa phương có sự chuẩn bị lượng hàng hoá cũng như việc các DN đàm phán xuất khẩu có hiệu quả” - bà Tâm đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA cho rằng, Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo trước đây có quản lý về việc đăng ký hợp đồng, có cơ quan theo dõi tình hình ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, khi Nghị định 107 về xuất khẩu gạo ra đời để thay thế cho Nghị định 109 thì việc báo cáo, theo dõi số lượng chưa được thực hiện nghiêm. Cho nên Bộ Công thương cần phải quản lý theo dõi hợp đồng xuất khẩu gạo chặt chẽ hơn.

“Cần có một bộ phận của Bộ Công thương để quản lý, theo dõi hợp đồng xuất khẩu ngoài chế độ báo cáo theo Nghị định 107. Đối với DN, khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ phải đi vào thực chất để tránh tình trạng bẻ kèo khi giá tăng hoặc DN không mua hàng khi giá giảm. Cần phải có giải pháp căn cơ hơn” - ông Nam nhấn mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT dự kiến cả năm 2023 sản lượng lúa đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Ngoài ra theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá gạo tăng, doanh nghiệp vẫn lo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO