Dù cho Chính phủ Hàn Quốc đã làm đủ mọi cách - từ tăng trợ cấp, kéo dài thời gian nghỉ đẻ, cho tới mở các khóa dạy hẹn hò - nhưng vẫn không thể thúc đẩy được người dân sinh thêm con. Giới lập pháp nước này giờ đang đau đầu đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Hầu hết các gia đình ở Hàn Quốc đều ngại sinh con thứ hai do chi phí nuôi con và giáo dục quá cao. (Nguồn: AP).
Dân số già hóa
Hàn Quốc hiện nay không chỉ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ song phương với Nhật Bản, mà còn cả một vấn đề nghiêm trọng khác có thể gây ảnh hưởng tới cấu trúc nền kinh tế của họ trong tương lai: Già hóa dân số.
Báo cáo mà Hãng Statistics Korea công bố mới đây cho thấy dân số Hàn Quốc có thể đạt đỉnh - khoảng 51 triệu người - trong năm nay, và sau đó giảm dần xuống còn 34 triệu người vào năm 2067, tương đương dân số năm 1972, theo dự báo viễn cảnh tồi tệ nhất. Dự báo đến năm 2065, số người ở độ tuổi trên 65 sẽ chiếm gần nửa dân số Hàn Quốc, biến nước này thành quốc gia phát triển “già” nhất thế giới, đe dọa tới khả năng quốc phòng.
Ngược lại, các quốc gia thân thiện với người nhập cư như Mỹ, Canada và Australia chỉ có số dân ở độ tuổi trên 65 chiếm 1/4 tổng dân số, xét trên cùng giai đoạn.
“Đây là tin xấu cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn của chúng tôi. Tỷ lệ sinh thấp cho thấy người dân bi quan với kinh tế tương lai như thế nào” - ông Park Chong-hoon, nhà kinh tế học ở Ngân hàng Standard Chartered, cho hay - “Không có cách khắc phục ngắn hạn cho vấn đề này, bởi nó liên quan tới chi phí giáo dục cao, phúc lợi và tài sản”.
Ngày nay, phụ nữ Hàn Quốc rõ ràng là sinh ít con hơn, theo các con số thống kê mới nhất, với tỷ lệ sinh đẻ - được tính bằng số trẻ trung bình mà một người phụ nữ sinh ra - đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,98 vào năm 2018. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức 1,43 của Nhật Bản, và thấp hơn mức lý tưởng để duy trì dân số là 2,1 mà phần lớn các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Năm 2017, chỉ 14% dân số Hàn Quốc là người ở độ tuổi trên 65. Dân số trong độ tuổi đi làm (từ 15 đến 64) là 73%, nhưng cộng đồng này có thể thu hẹp xuống chỉ còn 46% vào năm 2065 nếu xét theo dự báo viễn cảnh trung bình, thấp hơn so với tỷ lệ 51% của Nhật Bản.
Tương tự như Nhật Bản, tình trạng già hóa dân số đã phản ánh lại những thách thức về kinh tế đối với cộng đồng người trẻ tuổi ở Hàn Quốc. Một bản nghiên cứu năm 2015 cho thấy 58% đàn ông ở độ tuổi từ 20 - 44 ở Hàn Quốc chưa cưới vợ, trong khi ở phụ nữ cùng độ tuổi con số này là 48%.
Giới chuyên gia nói rằng chi phí nuôi trẻ, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi cao và gánh nặng nuôi dạy trẻ đè nặng lên vai các bà mẹ chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh đẻ ở Hàn Quốc giảm dần. Ngoài ra, môi trường giáo dục và thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt cũng được cho là nhân tố khiến tỷ lệ sinh đẻ giảm.
Tăng trưởng kinh tế giảm
GDP trên đầu người của Hàn Quốc vẫn có thể tăng dù cho dân số đang giảm, như trường hợp của Nhật Bản. Thế nhưng một xã hội đang già hóa sẽ kéo tụt mức tăng trưởng đầu tư và hoạt động sản xuất, cuối cùng làm chậm đà tăng trưởng GDP. Đối với Chính phủ Hàn Quốc, đất nước họ sẽ có ít lực lượng nhân công hơn để hỗ trợ cộng đồng dân số già, từ đó tạo nên những thách thức mới về mặt tài chính, làm tăng chi tiêu dành cho an sinh xã hội trong khi nguồn đóng thuế lại giảm.
Viện Nghiên cứu Hyundai của Hàn Quốc đưa ra dự báo rằng tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của nước này sẽ giảm từ 2,7% xuống chỉ còn 1% “ngay trong năm 2030”.
Phòng Đầu tư của Hãng xếp hạng Moody cũng cảnh báo rằng, tỷ lệ tín nhiệm của cả Hàn Quốc và Nhật Bản có thể chịu sức ép tiêu cực do “sự kết hợp của đà tăng trưởng kinh tế thấp, khoản nợ Chính phủ tăng, khả năng trả nợ yếu do lực lượng lao động già hóa, đặc biệt là trong khoảng những năm 2030”.
Trong lúc giới truyền thông Hàn Quốc cho rằng tỷ lệ sinh đẻ thấp “còn gây rủi ro hơn cả một cuộc khủng hoảng tiền tệ”, chính quyền Seoul đã phản ứng bằng cách chi 117 nghìn tỷ Won (97 tỷ USD) trong khoảng năm 2016 - 2018 để thực thi các biện pháp khuyến khích sinh đẻ.
Các biện pháp này bao gồm tăng tiền trợ cấp sinh đẻ, miễn phí tiền thuốc men cho trẻ sơ sinh và hỗ trợ chi phí chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, các biện pháp này đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả.