Già hóa dân số: Nguy cơ thiếu lao động

Thanh Giang 03/10/2015 15:47

95%  dân số Việt Nam đang đau đầu vì không biết về già làm gì để sống qua ngày vì thiếu sự chuẩn bị lúc về già. Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo dân số già hóa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. HCM phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức ngày 2/10, tại TP HCM. 

Già hóa dân số: Nguy cơ thiếu lao động

Người cao tuổi lo lao động để trang trải cuộc sống.

Các chuyên gia cho rằng, sự giá hóa dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh. Cụ thể, theo dự báo năm 2017 tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số. Nói về sự già hóa dân số, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam khẳng định, dân số Việt Nam đã già hóa từ năm 2011. Nghĩa là, già sớm trước 6 năm theo dự đoán của các tổ chức dân số thế giới.

Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, 25 năm nữa tốc độ tăng trưởng lao động không chỉ tiếp tục giảm mà còn có xu hướng tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng dân số 15 tuổi trở lên. Đặc biệt ở thập niên 2040 – 2050 lực lượng lao động hầu như không tăng, dự kiến dao động ở mức 68.055 – 68.243 ngàn lao động. Thời gian quá độ từ giá hóa dân số sang dân số già nhanh sẽ khiến cho Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và không đủ người để cung cấp dịch vụ cho người già và trẻ em. Một thách thức khác đặt ra, số lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động thấp so với khu vực và thế giới.

Liên quan đến vấn đề già hóa dân, hầu hết ý kiến bày tỏ quan ngại khi dân số đang ngày già đi, điều này đồng nghĩa với việc nguồn lao động trẻ ngày càng thu hẹp. Điều cần lưu ý là người lao động đang cảm thấy lo lắng và khó khăn vào lúc tuổi già vì không có tiền sinh sống. 95% dân số Việt Nam đang đau đầu vì không biết về già làm gì để sống qua ngày, trong khi tại Trung Quốc sự băn khoăn này chỉ ở mức 50%.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quy định cho nữ lao động nghỉ hưu sớm khi có thể tiếp tục công việc là một sự lãng phí lớn. Nên chăng, quy định rõ tuổi nghỉ hưu đối với từng ngành. Như vậy vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, vừa có thể tận dụng tốt nguồn lao động đầy năng lực. Ví dụ, có thể áp tuổi nghỉ hưu sớm đối với lao động ngành cao su, khai thác than…, đây là những ngành lao động mất sức nhiều nhất. Riêng các ngành khác có thể duy trì độ tuổi ở mức cao hơn nhằm giảm gánh nặng cho xã hội, bởi vì tài khóa đang khó khăn. Nếu cứ duy trì giới hạn độ tuổi lao động ở mức nữ 55, nam 60 thì bản thân người lao động gặp khó trong hoạt động chi tiêu hàng ngày. Còn về phía nhà nước, nguy cơ vỡ quỹ hưu trí vào năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, già hóa dân số (dân số đang già) sẽ làm cho gánh nặng kinh tế – xã hội trở nên trầm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Phải thay chính sách chiều rộng sang chiều sâu, phải trải đều gánh nặng cho cả người già và người trẻ. “Để có thể sử dụng tốt nguồn lao động có tuổi nhưng còn năng lực đòi hỏi phải linh hoạt về quy định tuổi nghỉ hưu.

Cần thiết cho người lao động và người sử dụng lao động tự lựa chọn giới hạn nghỉ hưu. Ví dụ, mức chung đối với tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 nhưng vẫn còn 5năm linh hoạt. Nghĩa là, trong năm năm còn lại người lao động có thể nghỉ sớm nếu có yêu cầu. Còn khả năng sức lao động giảm thì không sử dụng lao động 50 hoặc 55 tuổi mà dịch chuyển lao động này sang ngành nghề khác. Dân số già hóa đang trở thành thách thức cho kinh tế và xã hội nếu không có chính sách tích cực. Bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi, đến năm 2035 tốc độ già hóa dân số tăng cao và tiếp tục tăng lên vậy liệu có tăng trưởng tốt được hay không?

Về vấn đề già hóa dân số, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, kế hoạch hóa gia đình vẫn cần thiết nhằm hạn chế tăng trưởng dân số. Đồng thời, xóa bỏ dần sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, kỹ năng thấp, khai thác tài nguyên thô…. Bàn về giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của sự già hóa dân số, bà Phạm Chi Lan và bà Nguyễn Thị Lan Hương đồng quan điểm kéo dài tuổi lao động hơn mức hiện nay, đặc biệt cho phụ nữ. Song song đó, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, phát triển các ngành dịch vụ… Quan trọng hơn cả đó là chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Già hóa dân số: Nguy cơ thiếu lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO