Gia Lai từng là điểm nóng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nhất là trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số. Năm 2015, toàn tỉnh có tới 1.132 trường hợp tảo hôn. Nhưng với sự vào cuộc chủ động của nhiều đoàn thể nhân dân, sự ra đời của các mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, một “vành đai” bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái đang được tạo ra. Từ đó, tư duy của người dân từng bước thay đổi, giúp ngăn ngừa sớm nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
UBND TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức Hội nghị tuyên tuyền pháp luật về hôn nhân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản năm 2022. Đối tượng được tham gia hội nghị được chọn lựa kỹ càng. Đó là lãnh đạo UBND, các tổ chức chính trị, xã hội; cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc, báo cáo viên, tuyên truyền viên… Nhưng đặc biệt là những già làng, người có uy tín, Thôn trưởng, Bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của 25 làng đồng bào dân tộc thiểu số của TP Pleiku.
Các đại biểu được nghe các báo cáo viên của Ban Dân tộc tỉnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh truyền đạt các nội dung tuyên tuyền pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và hôn nhân, sức khỏe sinh sản.
Từ Hội nghị này, các nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống sẽ được lan tỏa đến cộng đồng, nhất là thông qua đội ngũ già làng, người có uy tín của các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đây chỉ là một trong nhiều hội nghị được triển khai nhằm ngăn chặn sớm, tiến tới đẩy lùi tảo hôn, không để hôn nhân cận huyết thống phát sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Trong đó chủ yếu là đồng bào Jrai và Bahnar. Những năm trước, tình trạng tảo hôn thực sự là vấn đề gây nhức nhối trong cộng đồng, nhất là với những buôn dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Năm 2015, toàn tỉnh có tới 1.132 trường hợp tảo hôn. Tỉnh đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” qua từng giai đoạn (hiện nay được tích hợp vào Tiểu dự án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Thực hiện đề án này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, nhiều cách làm hay trên cơ sở bám sát vào đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, ngoài sự vào cuộc tích cực của Ban Dân tộc, Sở Tư pháp và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, còn có sự tham gia của nhiều đoàn thể, với những mô hình hiệu quả. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Gia Lai xây dựng và triển khai nhiều mô hình phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Dù nằm ngay ở TP Pleiku, nhưng trước đây, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra phức tạp tại làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP Pleiku. Riêng năm 2019, làng có 25 trường hợp tảo hôn. Hội LHPN xã đã thành lập CLB “Phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại làng Mơ Nú. Chị H'Hanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú, cho hay: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn là tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, tâm lý sớm có người nối dõi hoặc có thêm nhân công lao động… cũng là lý do dẫn đến tảo hôn.
Tuy nhiên, từ khi CLB “Phòng - chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đi vào hoạt động, tình trạng này được hạn chế dần”. Những câu lạc bộ tương tự cũng được Hội LHPN thành lập tại nhiều xã trên địa bàn huyện Chư Păh. Qua đó, đã phát huy vai trò, tiếng nói của chị em trong gia đình để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Đoàn Thanh niên các cấp cũng tham gia ngăn chặn vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động phong phú, nâng cao nhận thức của các em học sinh về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để các em chủ động phòng chống, đấu tranh bảo vệ bản thân. Điển hình trong đó là tổ chức các phiên toà giả định kết hợp công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… Các phiên toà giả định được tổ chức ở nhiều huyện như: Đắk Pơ, Đắk Đoa… vừa nâng cao nhận thức, giúp ngăn ngừa tội phạm liên quan đến tình dục, hôn nhân, vừa giúp cho các bạn trẻ hiểu thêm những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Từ sự vào cuộc một cách đồng bộ, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện nhiều điểm sáng trong thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Kbang…
Trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại thôn 1 (xã Sró, huyện Kông Chro). Trước tình hình đó, xã đã thành lập tổ công tác thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, sinh hoạt nhóm, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh dân số cũng như tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ông Đinh Úch - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1, chia sẻ: “Thôn có 109 hộ, gần 560 khẩu, người Bahnar chiếm hơn 90%. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao. Năm ngoái, thôn chỉ xảy ra 1 trường hợp tảo hôn. Riêng từ đầu năm đến nay không có trường hợp nào”. Tại xã Đak Kơ Ning, chính quyền, đoàn thể địa phương thường theo sát các gia đình có người sắp đến tuổi thành niên để sớm ngăn chặn.
Theo ông Đỗ Hà Quang - Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning thì các thôn, làng tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không tổ chức cho con, cháu khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn; đưa nội dung quy định về độ tuổi đăng ký kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước. Cùng với đó, những gia đình, người mai mối vi phạm hương ước thì đưa ra kiểm điểm trước dân làng; đồng thời đề nghị ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm để tăng tính răn đe đối với người vi phạm.
“Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã không để xảy ra trường hợp nào tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” - ông Quang cho biết. Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Kông Chro chỉ xảy ra 17 vụ tảo hôn, giảm 54 vụ so với năm 2021.
Mặc dù vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách bền vững, vẫn còn không ít thách thức. Việc giảm tỷ lệ tảo hôn chưa đồng đều, nhất là ở một số huyện như: Chư Pưh, Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai. Nguyên nhân do thiếu kinh phí, tập tục lạc hậu của người dân, tình trạng bất đồng ngôn ngữ, việc xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn chưa kiên quyết… Do đó, cần sự vào cuộc bền bỉ của các cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể địa phương để việc ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được bền vững.