Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2367/KH-UBND triển khai thực hiện một số nội dung về Thông tin và Truyền thông trong Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch, nội dung dự kiến thiết lập 88 điểm hỗ trợ người dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại 15 huyện, thị xã (trừ thị xã Ayun Pa và TP Pleiku).
Cụ thể, huyện Chư Pưh có 6 điểm, Chư Păh 9 điểm, Đức Cơ 4 điểm, Đak Pơ: 4 điểm, Ia Pa 9 điểm, Kông Chro 14 điểm, Phú Thiện 7 điểm, Chư Sê 3 điểm, Krông Pa 11 điểm, Chư Prông 2 điểm, Kbang 4 điểm, Mang Yang 5 điểm, Ia Grai 1 điểm, Đak Đoa 8 điểm và , thị xã An Khê 1 điểm.
Vị trí đặt điểm hỗ trợ tại các xã thuộc khu vực III hoặc xã không thuộc khu vực III nhưng có thôn, làng đặc biệt khó khăn (mỗi xã 1 điểm) và đảm bảo các điều kiện như: Có sẵn nhà kiên cố và hạ tầng công trình xây dựng; thuận tiện người dân đến tiếp cận, sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn, an ninh về con người, tài sản, thiết bị; có nguồn điện ổn định.
Danh mục thiết bị cơ bản tại mỗi điểm thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30-5-2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, gồm: 1 ti vi được kết nối internet, 1 Amplifier (Amply), loa phục vụ hội trường, microphone (micro), bàn phím máy tính (có thể kết nối với internet tivi), vật tư, thiết bị phụ trợ phục vụ công tác lắp đặt. Tập huấn kiến thức, kỹ năng khai thác, vận hành trang thiết bị đầu tư tại điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin cho ít nhất 2 cán bộ do UBND cấp xã quản lý. Cung cấp dịch vụ truy nhập internet băng rộng tại điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin.
Nội dung hoạt động của các điểm tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước qua mạng internet; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, kiến thức về đảm bảo an ninh, trật tự.
Đồng thời, phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, bao gồm các nội dung chính: Kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng di động, nền tảng số, dịch vụ trực tuyến trên mạng internet; kỹ năng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; kiến thức cơ bản về an toàn thông tin mạng và kỹ năng tự bảo vệ, chống các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng cho cá nhân; nhận diện một số hình thức lừa đảo trên mạng; kiến thức, kỹ năng cơ bản về sử dụng máy tính và các nội dung khác theo xu hướng phát triển công nghệ số; nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, cảnh giác với các thông tin giả, sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch nhằm vào vùng DTTS.
Bên cạnh đó, Kế hoạch số 2367/KH-UBND còn có nội dung thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại vùng đồng bào DTTS và MN như: Sản xuất nội dung phục vụ công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới.
Kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch này được phân bổ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến 2025).
Tại kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nội dung được phân công đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.