Nếu trên thế giới có khoảng 40 triệu người tử vong mỗi năm (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) do bệnh không lây nhiễm thì ở Việt Nam con số này cũng rất cao. Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát nhưng tình trạng gia tăng bệnh bệnh không lây nhiễm vẫn ở mức báo động.
Hút thuốc lá và dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh không lây nhiễm Ảnh minh họa.
10 người tử vong có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng và các dịch bệnh mới nổi thì Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm.
Theo thống kê, cứ 10 người tử vong có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi mãn tính, chiếm 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Đặc biệt, các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Trong đó, ngành y tế cũng lưu ý đặc biệt đến ung thư, tim mạch, đái tháo đường.
Kết quả điều tra gần đây nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 65% và tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn, bệnh đái tháo đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, bị cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch.
Các bác sĩ cũng cho rằng, ngoài việc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thì dấu hiệu bệnh cũng không điển hình, có cháu tự dưng thấy mệt mỏi, sau giờ học thấy sốt…thế nên các bậc cha mẹ rất dễ bỏ qua triệu chứng, đến khi trẻ bị nặng mới phát hiện ra. Điều đáng lo ngại hơn là khi bị Đái tháo đường, cơ thể đã bị mất khả năng tự điều chỉnh. Do đó ngay cả nhịn đói, lượng đường trong máu cũng tăng và càng tăng cao hơn nữa sau các bữa ăn.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, bệnh tim mạch là bệnh dẫn đầu về số lượng tử vong trên toàn cầu. Theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người lớn có ít nhất 1-2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch. GS-TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng cảnh báo, nếu như tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh tim mạch ở các nước phát triển đã được ngăn chặn và có xu hướng giảm thì tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ngày một gia tăng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do lối sống công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến con người lười vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Riêng tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 đã được ghi nhận.
Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang báo động. 70% trường hợp tử vong hằng năm là do bệnh không lây nhiễm, trong số này có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Về nguyên nhân gia tăng bệnh không lây nhiễm, theo Thứ trưởng Long một phần do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 49% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu (trong đó có 11% uống tới mức nguy hại). Người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. |
Phòng bệnh
Ông Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Có 4 yếu tố nguy cơ phổ biến hình thành bệnh không lây nhiễm là hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, dẫn đến các thay đổi sinh chuyển hóa trong cơ thể, gây thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng lượng đường trong máu, từ đó phát triển thành bệnh. Đặc biệt, có tới một nửa số nam giới trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên hút thuốc, 77% nam giới trưởng thành uống rượu bia, trong đó 44% số người uống rượu bia ở mức nguy hại và 1/3 số người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.
Bên cạnh đó các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ người mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường được phát hiện và quản lý điều trị còn thấp. Trong khi các bệnh không lây nhiễm đều có thể phòng ngừa được. Các chuyên gia cho biết có tới hơn 70% số ca bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng tránh nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn. Chế độ ăn uống: kiêng ngọt, giảm mỡ, giàu đạm, thêm chất xơ, phân bố thường là 65% đường bột, 20% chất béo, 15 % chất đạm.
Hay như một nghiên cứu tiến hành trên 65.000 phụ nữ tại Trung Quốc đã cho ra kết quả sử dụng ít nhất 7.4g đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm 75% các nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nghiên cứu tại Nhật Bản cũng cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa chế độ ăn giàu đậu nành với việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lý liên quan đến tim mạch.
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, tại các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng giảm do họ đã kiểm soát tốt và phát hiện sớm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân mắc 2 bệnh này đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm. Ước tính trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120.000 người mắc mới ung thư mới mỗi năm…
Trước thực tế các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang gia tăng một cách đáng lo ngại, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Tổng hội Y học Việt Nam tập trung vào các công trình nghiên khoa học nghiên cứu cụ thể, tầm cỡ để phòng chống tốt hơn bệnh không lây nhiễm thay vì tổ chức quá nhiều hội nghị như hiện nay.