Dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại HS tiểu học đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi, thu hút sự quan tâm của của nhiều phụ huynh. Theo đánh giá chung, việc đưa vào những nội dung mới trong đánh giá và xếp loại HS tiểu học là phù hợp với việc chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới tới đây.
Khen ngợi giúp trẻ em tự tin hơn. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Trên thực tế, hiện việc đánh giá HS vẫn còn nặng về hình thức, nặng về kết quả học tập hơn là lưu tâm tới phẩm chất và năng lực của các em. Theo tinh thần dự thảo thông tư mới, việc đánh giá sẽ tiếp tục thực hiện kết hợp giữa đánh giá thường xuyên (bằng lời nói hoặc viết nhận xét), đánh giá định kỳ (bằng điểm số kết hợp với nhận xét) và tổng hợp đánh giá. Cùng với giáo viên, HS và phụ huynh đều được tham gia vào quá trình đánh giá.
Trong quy định về khen thưởng HS, dự thảo có đề cập đến hình thức “thư khen”. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những HS có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời HS, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.
Theo các chuyên gia, mục “thư khen” trong đánh giá HS tiểu học là điểm rất đáng ghi nhận. Cho dù hình thức khen ngợi, thư khen, quà tặng… đã được nhiều giáo viên, nhiều trường thực hiện, nhưng rõ ràng việc đưa vào quy định, trở thành một tiêu chí đánh giá cũng là một điều cần thiết, phù hợp với việc triển khai đồng bộ chương trình mới. Những lời khen ấy tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, nghị lực với các em. Nhất là với những học sinh có hoàn cảnh còn khó khăn, hoặc yếu thế có thể chưa đạt được mức điểm số như kỳ vọng.
Trước đó, sau khi dư luận phản ánh nhiều vấn đề bất cập của Thông tư 30, việc khen thưởng HS tiểu học hiện nay theo quy định tại Điều 16, Thông tư 22 ngày 22/9/2016, đề cập rất rõ các trường hợp khen thưởng cho HS cuối năm học. Tuy nhiên, theo ghi nhận việc khen thưởng HS cuối năm ở một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng với quy định của Thông tư. Vẫn còn xảy ra tình trạng khen tràn lan, khen không đúng đối tượng hoặc không đúng nội dung khen. Ngược lại cũng có những trường hợp giáo viên quá cứng nhắc trong việc cấp giấy khen, đơn cử như những em có thể không học giỏi, nhưng có những phẩm chất tốt như biết giúp đỡ bạn, tích cực tham gia ủng hộ từ thiện hoặc những hoạt động xã hội của nhà trường… đã không được nhận giấy khen.
Nhiều kỳ vọng đang được đặt ra với việc đổi mới đánh giá HS tiểu học- chí ít là nhìn từ góc độ lời khen. Trẻ coi lời khen ngợi là một phần thưởng. Ý thức tích cực về bản thân là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà người lớn có thể tặng cho trẻ. Trẻ em có lòng tự trọng cao, cảm thấy được yêu thương, có năng lực và hạnh phúc. Chính vì thế, lời khen ngợi cũng góp phần phát triển kỹ năng sống tốt hơn cho trẻ.