Giấc mơ bên sông Hồng

Hà Trọng Nghĩa 13/03/2021 07:16

Trong 10 Chương trình công tác toàn khóa được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII xem xét, thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ngày 11/3, Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025” là chương trình quan trọng, được dư luận quan tâm, giải quyết những vấn đề nổi cộm còn tồn tại lâu nay của thành phố.

Sông Hồng mùa nước cạn.

Trong những mục tiêu ấy, thì việc quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng nhận được sự quan tâm không chỉ của các nhà quản lý, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, xây dựng mà là của đông đảo người dân.

Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng của Hà Nội được tiếp cận theo hướng “thuận thiên”, xây dựng đô thị xanh... Với đồ án quy hoạch, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra. Trong đó, thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Cũng phải nói ngay rằng, quy hoạch đôi bờ sông Hồng - nói cách khác là xây dựng những khu đô thị mới hai bên bờ sông, trong đó cực kỳ quan trọng là vùng đất bãi bao nhiêu năm qua đã trở thành nơi cư ngụ của cả trăm ngàn người - là giấc mơ của người Hà Nội, kể cả những người không có “quyền lợi” gì liên quan đến khu vực này. Chỉ một dẫn chứng rất đơn giản cũng đủ thấy điều đó. Còn nhớ, hơn hai mươi năm trước, khi quãng (trong) đê đoạn từ dầu đường Thanh Niên về Quảng Bá, cả một dãy phố mọc lên với nhiều căn hộ rất đẹp. Nhưng rồi do vi phạm về quản lý đê điều, nhiều nhà bị dỡ bỏ và còn nhiều hơn thế là những ngôi nhà bị “chém tầng”, bị “chặt bớt” phân diện tích phía trước.

Lúc ấy, đi qua khu vực này, lòng những ngổn ngang. Phí hoài quá! Biết bao là tiền của mồ hôi nước mắt.

Những ai đã đến khu vực bãi sông Hồng, đoạn Tứ Liên, đến với người dân đồng bãi, dẫu biết mỗi khi mùa mưa xuống nước lũ từ thượng nguồn đổ về bà con lại phải rút đi; nhưng vẫn không thể không khâm phục trước bản lĩnh của những con người dám đương đầu với khó khăn vất vả để mà trụ lại với Thủ đô.

Và, cũng đã lâu lắm rồi, người Hà Nội thấp thỏm chờ đợi những khu đô thị mới mọc lên hai bên bờ sông, vì rằng thông tin về các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ đầu tư vào đây. Họ định lập nên “kỳ tích sông Hồng” ở Việt Nam cũng như vào những năm 70 của thế kỷ trước họ đã làm nên “kỳ tích sông Hàn” ở xưa sở kim chi. Vào khoảng giữa năm 2006, lãnh đạo thành phố Hà Nội và Thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.

Thế là giang dở một giấc mơ.

Vậy thì lần này giấc mơ ấy nối tiếp để trở thành hiện thực hay cũng vẫn chỉ.. là mơ?

Lần này, giấc mơ đó không chỉ dừng lại ở đoạn sông Hồng chảy qua khu vực trung tâm Hà Nội, mà nó nối dài hơn rất nhiều. Theo đó dự thảo Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà ở huyện Đan Phượng đến cầu Mễ Sở thuộc huyện Thường Tín. Như vậy, phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000ha thuộc địa giới 13 quận, huyện.

Thôi thì cũng không biết rồi đây khi đồ án được chấp thuận, hai bên bờ sông Hồng sẽ ra sao; nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu triển khai thì Hà Nội sẽ được một quỹ đất khổng lồ trong khi phố phường đang quá chật chội. Nói như ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, trước đây thủ đô gần như quay lưng lại với sông Hồng vì chưa có quy hoạch nào ở hai bên sông. Vì thế mới có tính trạng lấn chiếm, khai thác đất ven sông, còn nhà dân ở đây không thể cải tạo chỉnh trang được.

Ông Huy thật hay khi nói rằng trước nay Hà Nội đã “quay lưng” lại với sông Hồng. Chính vì quay lưng nên biết bao cơ hội đã trôi qua, chính quyền không được gì mà người dân cũng không được gì.

Hôm nay, bằng vào chủ trương mới của lãnh đạo Hà Nội, giấc mơ kỳ tích sông Hồng với những khu đô thị chạy dài hai bên bờ sông lại quay về. Trung tâm Hà Nội vốn dĩ giống như những thôn làng gộp lại, hồ ao, sông rạch nhiều nhưng nay đã lấp gần hết cả rồi. Thôi thì chỉ còn trông vào đôi bờ sông Hồng, dòng sông Mẹ là niềm kiêu hãnh muôn đời không chỉ với người Hà Nội mà còn với cả nước.

Vậy thì, chúng ta hãy cứ mơ đi!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấc mơ bên sông Hồng