Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, hiện trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.
Nhiều công nhân không dám mơ được sở hữu nhà
Tại một cuộc hội thảo về chủ đề nhà ở cho công nhân diễn ra tại Hà Nội, nhiều công nhân cho biết, họ không dám mơ đến việc mua được nhà vì giá nhà quá cao, trong khi thu nhập chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Chị Lê Thị Hoa, công nhân nhà máy ốc vít (Khu công nghiệp Nam Thăng Long) cho biết, cả hai vợ chồng đều là lao động ngoại tỉnh, đã đi làm công nhân tại Hà Nội 10 năm nay nhưng đến giờ vẫn không tích lũy được tài sản gì đáng giá.
“Hàng tháng cộng cả tiền làm thêm, tổng thu nhập hai vợ chồng được từ 12 đến 15 triệu đồng. Trong khi đó riêng tiền thuê nhà và điện nước đã 4 triệu đồng, tiền học của hai con mỗi tháng hết 5 triệu đồng. Còn lại là tiền ăn, tiền sinh hoạt, nếu tháng nào con cái không bị đau ốm hay đi bệnh viện thì dư ra một chút, còn đa phần là thiếu trước hụt sau” - chị Hoa giãi bày.
Thông tin về tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động Công đoàn, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp (DN), với khoảng 2,7 triệu lao động. Trong thời gian qua, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố vẫn giữ ổn định; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Tuy nhiên, hiện có khoảng trên 70% công nhân, người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... gây khó khăn cho đời sống công nhân.
Đề cập về lý do khiến người lao động không tiếp cận được nhà ở, ông Thanh cho biết, đa số DN vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Theo đó, thực hiện Nghị định số 38 ngày 12/6/2022 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%. Điều này đã hỗ trợ, giảm bớt những khó khăn cho người lao động; tiền lương bình quân của người lao động năm trong quý I/ 2024 là 7 triệu đồng/tháng.
"Mức thu nhập của người lao động như trên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất" – ông Thanh cho hay.
Giảm thiểu gánh nặng đời sống cho công nhân
Từ góc độ DN, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, vấn đề nhà ở cho công nhân còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp tổng thể từ Nhà nước, bộ, ngành, địa phương và DN. Nhiều năm qua, dù đã có nhiều quyết sách thiết thực hỗ trợ người lao động nhưng trên thực tế, công nhân tại các đơn vị, DN, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp nhiều khó khăn về vấn đề nhà ở. Mấu chốt ở đây là thu nhập, chỉ với mức thu nhập bình quân từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, rất khó để người lao động sở hữu được nhà.
“Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giá nhà ở cho công nhân lao động. Đồng thời, khuyến khích thêm nhiều chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, như nhà ở, trường học, bệnh viện... cho đối tượng là người lao động, vì đây là nhóm có vai trò khôi phục, thúc đẩy nền kinh tế” - ông Tuấn đề xuất.
Nói về giải pháp trước mắt, ông Tuấn cho rằng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất, buộc công nhân phải giảm giờ làm, phải nghỉ việc luân phiên, thậm chí tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Bởi vậy, để duy trì việc làm cho người lao động, các DN cần chủ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng nhằm tạo công ăn việc làm đều đặn cho người lao động; tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân người lao động. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động vốn đã khó khăn. “Để giảm thiểu gánh nặng đời sống, TP Hà Nội có thể tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân” – ông Tuấn đề xuất.