Hiện nay, một số ngành của các trường đại học (ĐH) đang trong tình trạng khó tuyển sinh. Bởi nếu tiếp tục đào tạo, các trường sẽ phải bù lỗ kinh phí cho những ngành khó tuyển sinh còn nếu tạm thời đóng cửa, dừng tuyển sinh sẽ là một điều đáng tiếc bởi đây là những ngành truyền thống, có thế mạnh về đào tạo. Vậy chiến lược nào để duy trì các ngành khó tuyển?
Ảnh minh họa.
Khó tuyển sinh, điểm chuẩn thấp
Mỗi mùa tuyển sinh ĐH, điểm chuẩn vào các trường cao hay thấp là điều được cả xã hội quan tâm. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn thống kê số liệu bảng điểm chuẩn của các trường, theo từng khoa để đánh giá, đưa ra chiến lược phân tích giúp người học chọn ngành, chọn trường phù hợp. Ngoài sức hút là tên tuổi, thương hiệu của các trường thì ngành học cũng là yếu tố quan trọng để quyết định điểm chuẩn đầu vào cao hay thấp. Thậm chí, có những trường, điểm chuẩn giữa các ngành có sự chênh lệch nhau rõ rệt từ 3 đến 6,7 điểm là điều dễ nhận thấy. Vậy với những ngành không “hot” thì tuyển sinh làm sao?
Thông tin từ phòng đào tạo của ĐH Thủy lợi, trong khi các ngành công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh, cơ khí, điện, kỹ thuật xây dựng thu hút được nhiều thí sinh thì những ngành vốn là thế mạnh, có truyền thống của trường lại rơi vào tình trạng… khó tuyển. Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo ĐH và sau ĐH trường ĐH Thủy lợi cho biết ngành thủy văn, kỹ thuật tài nguyên nước, kỹ thuật hạ tầng cấp thoát nước, trắc địa bản đồ… là những ngành năm 2019 chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Dù chưa đủ 10 sinh viên trường vẫn mở lớp.
Là một trong những trường đào tạo hàng đầu của ngành giao thông vận tải, tuy nhiên, nhiều năm nay, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội vẫn khó tuyển sinh ở một số ngành truyền thống như: Tín hiệu giao thông, Đường sắt, Đầu máy toa xe…
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình đào tạo của trường chuyên sâu nên bị ảnh hưởng của yêu cầu xã hội, các ngành đường sắt, đầu máy toa xe còn chưa được lựa chọn nhiều, nặng nề về đầu ra cho quá trình đào tạo, xin việc.
Thay đổi để hút người học
Với đặc thù là một trong những trường mạnh về đào tạo khoa học cơ bản, những năm gần đây, ngành Khoa học Đất và Toán của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH quốc gia Hà Nội) cũng không thu hút được sinh viên. Lượng thí sinh đăng ký vào ngành này quá ít nhưng cũng không thể bỏ. Đứng trước bài toán hóc búa này, buộc nhà trường phải thay đổi hướng đào tạo. PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói: “Cách đây vài năm nhà trường đã mạnh dạn không tuyển một số ngành đào tạo như toán cơ…Tuy nhiên, đây vẫn là những ngành xã hội cần, dù số lượng ít nên những năm gần đây trường đưa ngành toán cơ vào đào tạo theo hướng chuyên sâu, nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu của xã hội; đảm bảo chất lượng thay vì tập trung vào số lượng”.
PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, một vài năm trở lại đây, 5-7 ngành của trường cũng không đạt chỉ tiêu tuyển sinh như: Vật liệu, vật lý, Môi trường, Sư phạm kỹ thuật, Hạt nhân… Tuy nhiên, năm vừa qua, sức hút của các ngành này đang dần trở lại. Nguyên nhân là trường đã có những thay đổi về chương trình đào tạo theo hướng phát triển mới, có những cơ hội cho sinh viên trong thực tập tại các doanh nghiệp, trao tặng học bổng khuyến khích sinh viên…
Bên cạnh thay đổi chương trình đào tạo, phương thức đào tạo thì làm tốt công tác tuyển sinh là một yếu tố quan trọng thu hút thí sinh vào những ngành truyền thống. Ông Vũ Tuấn Anh, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy lợi cho rằng các trường phổ thông cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, để các em hiểu rõ sự cần thiết của các ngành truyền thống, dù thời điểm hiện tại không được hấp dẫn nhưng xã hội rất cần, ra trường có nhiều cơ hội việc làm…
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhiều ngành nghề truyền thống không còn phù hợp. Thị trường lao động có những yêu cầu mới, nên những ngành nghề mới cũng xuất hiện hoặc những ngành nghề đã có cũng phải đổi mới về chất lượng để đáp ứng yêu cầu đó. Đứng trước bài toán tuyển sinh, nhiều trường có thể cắt giảm số lượng tuyển sinh những ngành khó đào tạo nhưng không thể bỏ hoàn toàn bởi đến lúc đất nước cần nhân lực sẽ không có, cũng không nên đào tạo ồ ạt khiến cho điểm đầu vào vừa thấp, sinh viên học ra trường khó có việc làm… trong tương lai gần.