Giải bài toán thiếu lao động sau dịch

H.Vũ (thực hiện) 25/10/2021 08:30

Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn thích ứng an toàn để phục hồi sản xuất, song chúng ta đang đối mặt với bài toán thiếu lao động sau dịch. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH TP Hà Nội), phải hỗ trợ để người lao động vượt qua khó khăn và doanh nghiệp xây dựng “cơ sở hậu cần” cho công nhân.

PV:Do ảnh hưởng của dịch, nhiều lao động đã rời các thành phố trở về quê. Thực tế này đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) vào tình trạng thiếu hụt lao động. Điều này ảnh hưởng thế nào đến việc phục hồi phát triển kinh tế, thưa ông?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Thời gian qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ 4, chúng ta mở cửa có lộ trình, không phải tất cả các nơi đều đi lại bình thường, nhất là lúc mở cửa đã có hơn 100 nghìn DN “chết” nên việc phục hồi kinh tế là khó khăn.

Đối với những DN vẫn trụ được, thì lao động cũng đã về quê do họ bị kiệt quệ trong suốt thời gian 4 tháng giãn cách xã hội, không còn nguồn lực quay trở lại. Nhiều đơn hàng của DN đáng ra xuất khẩu được nhưng phải chuyển sang nơi khác sản xuất. Do đó khả năng phục hồi ngay lập tức là rất khó. Vì vậy, lao động là bài toán khó khăn cho các DN.

Đối với những nơi thiếu lao động, theo ông cần xử lý thế nào?

-Tại các khu vực kinh tế trọng điểm như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, lúc này phải hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn ở thời điểm dịch bệnh, và hỗ trợ DN về vấn đề “cơ sở hậu cần” cho công nhân. Trước kia DN không quan tâm đến nhà ở cho công nhân thì bây giờ phải xây dựng nhà ở cho công nhân để giữ chân họ, tạo sự yên tâm “an cư” cho người lao động thì họ mới yên tâm làm việc.

Thực tế, không chỉ do tác động của dịch Covid-19, mà cứ sau Tết là DN “khát” lao động. Việc người dân phải rời quê hương đi làm ăn xa phải chăng cũng cho thấy sự bất hợp lý trong phân bổ lao động, thưa ông?

- Để ổn định việc làm cho người lao động, phải cơ cấu lại các hoạt động đầu tư. Từ tình hình dịch bệnh cũng cho thấy, các DN tập trung quy mô lớn ở một địa bàn cũng tiềm ẩn rủi ro rất cao. Theo tôi các khu vực sản xuất gia công, lắp ráp có thể phân tán, và dịch chuyển các nhà máy sang khu vực khác, tránh tập trung quá đông tại một khu vực. Đây là vấn đề không khó khăn vì chúng ta chủ yếu sản xuất gia công, lắp ráp chứ không phải công nghệ cao. Do đó cần nghĩ đến việc phân bổ lại lao động hiện nay trên cả nước, nơi nào tập trung quá đông khu công nghiệp thì có thể dịch chuyển các nhà máy, phân xưởng về những khu vực có nguồn lao động phong phú.

Bản thân việc dịch chuyển về lâu dài còn giúp ích cho các DN đỡ rủi ro, giảm chi phí chi cho người lao động. Còn bản thân người lao động giảm được chi phí ăn ở, sinh hoạt, dịch chuyển cả gia đình từ Bắc vào Nam. Quan trọng là các địa phương tạo điều kiện tốt về mặt bằng, chính sách đầu tư thì các DN sẽ dịch chuyển đến rất nhanh. Đó là giải pháp căn cơ lâu dài giúp người dân “ly nông bất ly hương”.

Việc dịch chuyển sang khu vực khác, DN sẽ mất chi phí ban đầu song về lâu dài, DN sẽ tiết giảm được chi phí chi cho người lao động như xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Vấn đề là các địa phương cần “tầm nhìn” để thu hút các tập đoàn, DN đến với địa phương mình. Vấn đề này gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế.

Tất nhiên không phải phân bổ hết toàn bộ, mà chỉ phân bổ một số nơi cần thu hút lao động tập trung mang tính chất dây chuyền, chuỗi giá trị. Việc phân tán các cơ sở sản xuất ra nhiều địa phương tạo hiệu quả xã hội cao hơn so với tập trung tất cả lại. Có thể nói dịch Covid-19 cũng là động lực để chúng ta thay đổi cách phân bổ lao động gắn với phát triển kinh tế.

Trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chúng ta cũng cần chọn lọc những lĩnh vực hiệu quả cao, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và phân bổ, sử dụng lao động, thưa ông?

- Về lâu dài cần phải thay đổi hướng thu hút đầu tư, lựa chọn các DN sử dụng công nghệ mới vào chuỗi sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị mới. Đặc biệt, môi trường đầu tư là yếu tố quyết định việc lựa chọn địa điểm.

Việt Nam có lợi thế và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, có nguồn nhân lực tốt, dồi dào và tiềm năng. Cho nên khi đầu tư tại Việt Nam họ có thể tiếp cận với các thị trường lớn của thế giới. Đó là yếu tố để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có chiến lược thay đổi thu hút đầu tư từ sử dụng vốn và lao động sang hướng thu hút theo chọn lọc công nghệ cao, có khả năng kết nối tạo lập chuỗi giá trị mới trong nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán thiếu lao động sau dịch