Giải ‘cơn khát’ lao động

Thành Luân 08/10/2021 06:00

Có thể thấy, “cơn khát” lao động nhằm khôi phục kinh tế đã bắt đầu, và TP HCM đang ở “ngã 3 đường” trong việc giữ chân người lao động.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) tại TP HCM đang thiếu lao động với số lượng lớn. Có hai nguyên nhân cơ bản, một mặt các doanh nghiệp (DN) phải giảm một nửa công nhân làm việc tại nhà máy, kéo dài khoảng 4 tháng qua; mặt khác, công nhân, người lao động về quê tránh dịch, cho đến đầu tháng 10 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các khảo sát gần đây nhất đã chỉ ra những con số hết sức đáng lo ngại. Từ trước tháng 10, tại các KCN, KCX của TP HCM có khoảng 288.000 lao động làm việc. Trong đó, hơn 70.000 lao động làm việc theo chế độ “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Thế nhưng, từ đầu tháng 10, số lao động thực hiện “3 tại chỗ” giảm còn 45.000 và 33.000 lao động đăng ký mới. Số lao động “3 tại chỗ” chuyển thành bình thường và số bổ sung thêm vào khoảng 57.000 người.

Thực tế này khiến TP HCM chỉ còn khoảng 135.000 lao động đang làm việc trực tiếp tại các KCN, KCX, chiếm khoảng 46%. Do vậy, lực lượng lao động ở các đơn vị này chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất khi mở cửa. Các DN buộc phải chuyển qua phương án chủ động về quê đón công nhân, người lao động trở lại. Số còn lại cũng đang phải rà soát để tiếp tục tuyển dụng, bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình. Tuy nhiên, ngay cả khi Ban quản lý các KCN, KCX và chính quyền TP HCM vào cuộc cùng giải quyết thì sự khan hiếm lao động vẫn đang là vấn đề nóng của 3 tháng còn lại của năm 2021.

Để giải “cơn khát” nhân lực, chính quyền TP HCM đã nhiều lần có văn bản đề nghị 4 tỉnh lân cận phối hợp, tạo điều kiện cho nhóm công nhân, chuyên gia được nới lỏng di chuyển trong điều kiện chống dịch Covid-19. Nhất là nguồn lao động phổ thông rất quan trọng, cần bổ sung kịp thời cho các KCN và KCX khi TP HCM mở cửa trở lại.

Từ những thập niên 90, khi TP HCM xây dựng cơ cấu lại kinh tế chú trọng vào công nghiệp - dịch vụ, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đã phải nhờ đến nguồn cung lao động rất lớn từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong 10-20 năm qua, nguồn cung lao động cho TP HCM có xu hướng dịch chuyển tăng dần ở các tỉnh lân cận, gồm miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Lãnh đạo TP HCM nhận định nguồn cung lao động cho TP HCM từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh là rất quan trọng đối với ngành công nghiệp - dịch vụ của thành phố, dù một số tỉnh vẫn là tâm điểm của dịch. Các nơi này vừa là trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của phía Nam, vừa là nơi đặt các nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh có tính liên kết cao giữa các địa phương của nhiều tập đoàn, DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Có thể thấy, “cơn khát” lao động nhằm khôi phục kinh tế đã bắt đầu, và TP HCM đang ở “ngã 3 đường” trong việc giữ chân người lao động. Ngay khi UBND TP HCM công bố Chỉ thị 18 về nới lỏng giãn cách, hàng ngàn người dân đã đổ về các cửa ngõ để trở về quê. Lãnh đạo TP HCM rất chia sẻ với bà con và cũng lường trước những vấn đề sẽ nảy sinh. Thực tế, việc lựa chọn áp dụng giãn cách kéo dài đã trở thành những quyết định khó khăn của cấp có thẩm quyền trước yêu cầu phòng, chống dịch, cho đến khi ban hành Chỉ thị 18 nhằm từng bước đưa TP HCM trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Giải quyết chính sách về an sinh, hỗ trợ về nơi lưu trú, nhà trọ cho công nhân là cấp thiết trong phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, giảm phí, giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất,…cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ là yêu cầu đặt ra hết sức cấp thiết đối với TP HCM để khôi phục kinh tế, tạo sức hút giữ chân người lao động một cách bền vững, để DN đủ sức hoạt động trở lại và phục hồi tăng trường.

Trước mắt, TP HCM cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp để giữ chân được người lao động, tạo điều kiện để người lao động các tỉnh trở lại làm việc một cách an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Chỉ khi đảm bảo nguồn cung lao động, DN mới có sức sống để mở cửa lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải ‘cơn khát’ lao động