Giải pháp giúp hạn chế ngộ độc rượu chứa mathenol

Ngọc Hải 05/05/2017 08:00

Thời gian qua, không ít vụ ngộ độc rượu chứa methanol khiến nhiều người phải nhập viện. Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol vượt ngưỡng cho phép, đại diện Bộ Công thương đã đưa ra đề xuất thêm chất chỉ thị màu Xanh methylen vào cồn không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm thực phẩm, giúp phân biệt rượu chứa methanol dễ dàng hơn.

Cảnh giác với rượu không rõ nguồn gốc.

Bình thường, loại rượu duy nhất để uống có tên là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. Hoặc theo cách nấu dân gian là người dân nấu cơm rồi ủ với men sau đủ ngày thì trưng cất thành rượu. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người đã cho cồn công nghiệp vào để nấu rượu, cồn có độc tính rất cao, được gọi là rượu methanol. Thậm chí có người còn pha nước lã với cồn để làm thành rượu.

Theo các chuyên gia y tế, rượu pha cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khi vào cơ thể, chất cồn này được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2007 - 3/2017, toàn quốc ghi nhận 382 người mắc, 98 người chết vì sử dụng rượu không an toàn. Trong đó, có tới 45 người chết vì ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao (từ đầu năm 2017 tới nay là 10 người). Theo ông Long, thực ra ngộ độc rượu, nhất là ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao vẫn xảy ra, chủ yếu xảy ra ở các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương để thanh, kiểm tra, ban hành phác đồ điều trị, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng...

Chỉ riêng tại Hà Nội, trong vòng khoảng 1 tháng qua đã ghi nhận 25 trường hợp ngộ độc methanol trong rượu, 3 trường hợp đã tử vong. Điển hình nhất nhóm sinh viên 12 người có cả nam và nữ mua 2,5 lít rượu về uống từ trưa đến tối. Sáng hôm sau, 7 người xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt, nôn ra máu, được đưa vào Bệnh viện 198 cấp cứu sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Hôm sau nữa có thêm 5 sinh viên nhập viện với triệu chứng tương tự, 3 người được về nhà ngay vì xét nghiệm lượng methanol không cao. Tất cả 9 bệnh nhân còn lại đều được xác định ngộ độc rượu methanol và điều trị theo phác đồ ngộ độc rượu, phải nằm viện điều trị.

Từ đầu năm đến nay, ngành Công thương đã triển khai rất nhiều cuộc thanh, kiểm tra nhằm truy tìm rượu độc. Đơn cử, từ 17/3 - 15/4, 689 đoàn kiêm tra của sở Công thương Hà Nội đã và sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn. Tại Bắc Ninh, Sơn La… cũng triển khai rất nhiều đợt ra quân truy quét rượu lậu, rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hiệu quả kiểm soát rượu không đảm bảo vẫn chưa như mong đợi. Và vẫn còn rải rác số ca ngộ độc rượu phải nhập viện.

Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này, tại Hội thảo Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc có methanol cao do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương, cho biết, Bộ đã đề xuất giải pháp pha thêm chất chỉ thị màu Xanh methylen vào cồn không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm thực phẩm để tạo màu, giúp phân biệt rượu chứa methanol dễ dàng hơn.

Đây có lẽ là một sáng kiến rất hữu ích, bởi vì nếu bằng mắt thường rất khó để phân biệt đâu là rượu đạt chuẩn chất lượng đâu là rượu pha cồn công nghiệp. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Việc pha chỉ thị màu Xanh methylen là một giải pháp rất khả thi, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề, giúp người dân dễ dàng nhận biết được rượu có pha cồn công nghiệp. Từ đó, không sử dụng loại rượu độc dễ gây tử vong hoặc gây nhiều biến chứng mắt, thần kinh cho người sử dụng.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giải pháp này được thực hiện thì thiết nghĩ, ngoài sự nỗ lực của Bộ Y tế, Công thương, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là việc sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ lạm dụng trong pha chế rượu.

Theo TS Cường, Việt Nam chưa tự sản xuất được nên vẫn phải nhập methanol về với giá thành cao để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, có thể gây tử vong ngay cả với người pha chế. Do đó, loại rượu chứa methanol gây tử vong cho nhiều người thời gian qua là loại được pha chế từ cồn không đạt quy chuẩn sử dụng làm thực phẩm (lẫn nhiều tạp chất, trong đó có methanol).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp giúp hạn chế ngộ độc rượu chứa mathenol