Mặc dù vẫn còn đến 90% lượng thịt lợn bán ra trên thị trường là thịt mới giết mổ (thịt nóng), song theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, xu hướng sử dụng thịt mát sẽ dần dần chiếm ưu thế và thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng. Hiện trên thế giới, không nhiều nước còn duy trì thói quen tiêu thụ thịt nóng.
Chế biến thịt lợn mát phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
90% lượng thịt vẫn là thịt nóng
Con số thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho hay, ước tính hiện có đến 90% lượng thịt heo bán trên thị trường nội địa hàng ngày là thịt mới giết mổ - tức thịt nóng. Có nghĩa rằng, chỉ khoảng 10% lượng thịt heo hiện nay là thịt mát (thịt cấp đông). Song, do những đặc tính về chất lượng, an toàn thực phẩm, nên trên thế giới, xu hướng sử dụng thịt mát đã trở nên phổ biến từ lâu. Đây cũng là xu hướng mà Việt Nam đang hướng đến.
Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tập trung đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm thịt mát. Tháng 1 vừa qua, Masan đã khánh thành Tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam, có công suất 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Một trong những sản phẩm của tổ hợp này được Masan tung ra thị trường là loại thịt mát. Theo ông Matthys Van Der Lely – Tổng Giám đốc ngành thịt Tập đoàn Masan Nutri-Science (MNS), sản phẩm này được chế biến theo công nghệ hiện đại và heo được làm ngất trước khi giết mổ, sau đó hệ thống làm lạnh giúp thịt duy trì nhiệt độ 0 – 4 độ C. Tất cả các khâu đều nhằm đảm bảo yếu tố về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một trong những DN có thương hiệu lớn trong ngành nông nghiệp là Vissan cũng bắt đầu hướng đến việc kinh doanh sản phẩm thịt mát, DN này đang thực hiện việc hướng dẫn khách hàng cách tiêu dùng mới, thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng sang thịt mát.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, tiêu chuẩn về thịt mát đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Thịt là thực phẩm giàu protein, chất béo nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Sau khi giết mổ xong là thịt tươi, nếu không kiểm soát, vi khuẩn sẽ phát triển, làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Người tiêu dùng có thể hiểu thịt mát là thịt tươi sau giết mổ nhưng sử dụng nhiệt độ để ức chế vi khuẩn phát triển, giúp cho miếng thịt được tươi lâu hơn giúp tăng mùi vị, cảm quan của miếng thịt, quá trình này là giúp sản phẩm tươi ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện, Việt Nam vẫn là một trong rất ít nước vẫn còn tiêu thụ thịt nóng. Nhiều người tiêu dùng vẫn đang lầm tưởng như vậy thịt mới đảm bảo tươi, ngon, song thực tế chất lượng lại bị kém đi nhiều do các vi khuẩn, vi sinh vật, enzyme có cơ hội sinh sôi, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm bị hạn chế. Theo TS Trần Đăng Ninh – Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), nếu người tiêu dùng Việt Nam hướng đến sử dụng thịt mát sẽ đảm bảo các yếu tố về an toàn thực phẩm, bên cạnh đó sản phẩm cũng đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng. Theo TS Ninh, sản phẩm chất lượng thịt mát khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ nguyên được chất lượng tươi ngon từ 7-15 ngày.
Công nghệ góp phần nâng tầm ngành chăn nuôi
Nhận định về thực tế của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một thời gian dài, ngành chăn nuôi luôn ở tình trạng bấp bênh. Đáng chú ý, trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi lợn đã trải qua hai cuộc khủng hoảng lớn: Một cuộc khủng hoảng thừa (cung vượt cầu, giá dưới mức giá thành) và một cuộc khủng hoảng thiếu (thiếu vì chưa có hình thức thương mại phù hợp dẫn đến giá thịt lợn sụt giảm thậm tệ)…ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của bà con nông dân. Chính bởi vậy, việc các DN hướng đến kinh doanh, chế biến sản phẩm thịt mát sẽ là giải pháp tốt giúp giải quyết được bài toán đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời tạo được đầu ra cho xuất khẩu giúp ngành chăn nuôi không rơi vào tình trạng bấp bênh như thời gian qua.
Thịt mát sẽ là xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc các DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng các tổ hợp nhà máy chế biến thịt lợn hiện đại…là minh chứng rõ rệt của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất chăn nuôi. Rồi đây, không chỉ 90 triệu dân trong nước được sử dụng sản phẩm thịt heo an toàn, đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng mà đây còn là cơ sở để các DN trong ngành chăn nuôi nâng sức cạnh tranh, dễ dàng gia tăng xuất khẩu, chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
“Với những nỗ lực của DN trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng không chỉ đảm bảo có thực phẩm sạch cho người dân Việt Nam mà còn có cơ hội mở rộng, bước chân đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới, từ đó tạo đà để ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
“Người dân vẫn có thói quen tiêu dùng thịt tươi còn gọi là thịt nóng, tuy nhiên theo tiêu chuẩn quốc tế thịt có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm phải là thịt mát. Theo đó, lợn được chăn nuôi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sau khi giết mổ xong, thịt được làm mát xuống từ 0 độ C – 4 độ C và giữ nhiệt độ đó trong toàn bộ quá trình sau giết mổ, pha lóc, vận chuyển, bảo quản và phân phối, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cũng như vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết. |