Giảm áp lực cho siêu đô thị

LÊ ANH 21/04/2023 07:27

TP Hồ Chí Minh đang phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải của một siêu đô thị. Ngoài TP Thủ Đức, hiện nay hầu hết quận, huyện còn lại cũng đang áp lực khi triển khai các trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Cán bộ Trung tâm Điều hành thông minh TP Thủ Đức giới thiệu về hệ thống giám sát qua camera.

Giải quyết ngập nước và kẹt xe

Đây là 2 vấn đề được kỳ vọng sẽ được kiểm soát nhờ vào đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) mà TPHCM đang triển khai. Vốn nằm trong khu vực ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngập nước đô thị ở TPHCM còn chịu thiệt hại “kép” do mùa mưa kéo dài, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Câu chuyện ngập nước đã trở thành vấn đề nan giải mà chính quyền thành phố chưa đưa ra được giải pháp để xử lý triệt để suốt hàng chục năm qua.

Tương tự, tình trạng kẹt xe ở hầu hết các khu vực trung tâm do dân số tăng nhanh, vốn đang tiến sát đến ngưỡng 13-15 triệu dân cũng là vấn đề hóc búa trong nhiều năm gần đây.

Trong số các “vùng trũng”, Thủ Đức được coi là địa phương còn nhiều điểm ngập nhất của TPHCM. Theo ông Lưu Trọng Nghĩa - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thủ Đức, hiện nay thành phố đang quản lý khoảng 37 điểm ngập và 24 điểm khác đang được theo dõi ngập do mưa, triều cường và mưa kết hợp triều cường, thậm chí được đưa vào kế hoạch phải có giải pháp kiểm soát trong giai đoạn từ 2021 - 2025. Do đó, bên cạnh việc cải tạo hệ thống thoát nước và xây mới để tăng cường khả năng chống ngập nước đô thị, TP Thủ Đức còn muốn dự báo và kiểm soát được từ sớm thông qua các tiện ích của ĐTTM.

Để đạt được mục tiêu này, từ năm 2021, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), UBND TP Thủ Đức đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để nhanh chóng giúp chính quyền giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách tổng thể, trong đó có các vấn đề ngập nước và kẹt xe.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM cho biết, mỗi quận, huyện của TPHCM đều xây dựng một trung tâm điều hành ĐTTM để tiến tới điều hành chính quyền bằng công nghệ. Bởi vì, một thành phố đông dân như TPHCM nếu không có dữ liệu thì không thể quản trị tối ưu, nhất là để giải quyết các vấn đề phát sinh của một siêu đô thị. Tại buổi hướng dẫn các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM mới đây, Giám đốc Sở TTTT TPHCM cũng nhìn nhận, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình xây dựng ĐTTM do tính rời rạc và thiếu thống nhất của mỗi địa phương. Để khắc phục, toàn thành phố phải tiến tới sử dụng chung nền tảng và phải có kết nối dữ liệu.

Tăng khả năng kết nối, đồng bộ

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu, trong khi xét trên cả nước, thành phố xếp thứ 3 về chuyển đổi số (năm 2021). Dù gặp nhiều khó khăn giai đoạn “hậu” Covid-19 và ảnh hưởng của đợt suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế số TPHCM năm 2022 vẫn chiếm gần 15,4% GRDP cả nước (vượt so với chỉ tiêu đặt ra là 15%). Hiện nay, TPHCM đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số để đẩy nhanh xây dựng ĐTTM.

Tại triển lãm quốc tế “Đô thị thông minh Châu Á - SmartCity Asia năm 2023” vừa diễn ra, ông Mãi tiếp tục bày tỏ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm thành công của các quốc gia trên thế giới trong quá trình xây dựng ĐTTM.

Góp ý cho mô hình ĐTTM của TPHCM, ông Byungmoog Lee - Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Xúc tiến công nghệ thông tin quốc gia Hàn Quốc (NIPA) chia sẻ, Hàn Quốc quan tâm 4 yếu tố để xây dựng ĐTTM, gồm thành phố mới kết hợp với thành phố cũ; xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và cuối cùng là thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ông Lee lấy trường hợp thành phố Incheon đi lên ĐTTM từ một thành phố chưa có các điều kiện hạ tầng cơ bản. Khi ấy, Incheon đã đi ngay vào ưu tiên xử lý các vấn đề về dịch vụ công, giao thông, kiểm soát tội phạm đường phố, môi trường…Đặc biệt, những vấn đề này đều được cung cấp bởi các công ty tư nhân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Phú Thịnh - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ TP Thủ Đức cho biết, việc tìm kiếm các mô hình, giải pháp, ứng dụng khả thi để áp dụng vào thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng ĐTTM là hướng đi nhanh nhất và hiệu quả nhất cho thành phố cũng như các địa phương khác của TPHCM. Tại Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp công nghệ thông minh hóa, tự động hóa phục vụ xây dựng thành phố thông minh”, nhiều chuyên gia cũng chia sẻ các mô hình ĐTTM trên thế giới để TPHCM học hỏi nhằm xây dựng một mô hình phù hợp, có tính đặc thù cho mình.

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TPHCM được định hướng trở thành đầu tàu cả nước về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ, với đóng góp kinh tế số chiếm 40% vào GRDP cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm áp lực cho siêu đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO