Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc giám sát tập trung vào 4 nội dung chính. Trong đó, có đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014-2022; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Cụ thể, đánh giá bước đầu về khả năng hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; đánh giá về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và SGK, thể hiện trên các phương diện: Mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thiết kế, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hai giai đoạn và định hướng nghề nghiệp; việc đáp ứng nội dung đổi mới của chương trình; mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh,…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn SGK giáo dục phổ thông…
Quốc hội cũng xem xét, đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục) nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức.
Đối tượng giám sát gồm Chính phủ và 6 bộ liên quan; chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố (giám sát trực tiếp tại 8 địa phương, trong đó có TP Hà Nội và TP HCM); các cơ quan, tổ chức có liên quan (các cơ sở giáo dục phổ thông; các nhà xuất bản; các trường đại học, cao đẳng sư phạm,…). Thời gian giám sát, đánh giá từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2022 (từ thời điểm Nghị quyết số 88/2014/QH13 có hiệu lực đến hết năm học 2021- 2022).
Qua cuộc giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, sản phẩm cuối cùng là giải trình. Trong đó phải làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở giám sát, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Theo đó, Đoàn giám sát sẽ kịp thời có báo cáo về tiến độ, rà soát các vấn đề phát sinh và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám sát, thậm chí có những vấn đề còn phải điều chỉnh về chương trình, kế hoạch vì quá trình làm có thể phát sinh những vấn đề mới, có vấn đề cần phải mở rộng, đi sâu hơn...