Nhân dịp Bộ GDĐT lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư “Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học” ở các trường THCS và THPT, cũng cần nhìn nhận ý nghĩa và giá trị việc đánh giá học sinh (HS) phổ thông bằng hình thức nhận xét.
Đánh giá kết quả học tập HS ở các trường học của chúng ta, một thời gian dài, hàng nửa thế kỷ nay vẫn duy trì một kiểu đánh giá cũ, lạc hậu đó là ra bài kiểm tra liên tục, chấm điểm và từ đó xếp loại đánh giá về chất lượng học tập, về chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Hình thức đánh giá này gọi là đánh giá kết quả học tập của HS (còn gọi là đánh giá tổng kết hay đánh giá cuối cùng) là dạng đánh giá phổ biến, truyền thống theo phương pháp dạy học cũ. Thực chất dạng đánh giá này là thông qua hình thức ra bài kiểm tra, thi cử, chấm điểm nhằm xem xét kết quả học của HS sau một giai đoạn học nhất định, tức là đánh giá HS khi các em đã học xong một nội dung kiến thức nào đó.
Cần lưu ý rằng, dạng thức đánh giá này thường bám sát vào mục tiêu học tập đã đề ra trong mục tiêu, kế hoạch giáo dục để tiến hành đánh giá, và như vậy, thường nó tách ra khỏi giáo viên trong quá trình đánh giá. Tuy nhiên, thành tích học tập của HS, lại làm cơ sở đánh giá thành tích của giáo viên, xếp loại và đánh giá nhà trường, nên dạng thức đánh giá này thường gây ra những áp lực lớn trong trường học và xã hội, nguyên nhân chính dẫn tới gian dối, bệnh thành tích trong giáo dục.
Đối ngược với đánh giá kết quả học tập của HS, đánh giá theo quá trình học tập rất được đặc biệt chú ý, nhất là giáo dục tiếp cận năng lực của người học, bắt buộc phải sử dụng dạng thức đánh giá này. Đánh giá theo quá trình học tập là dạng đánh giá quá trình, sự tiến bộ của HS qua các hoạt động học, nó cho thấy sự phản hồi thường xuyên nhằm duy trì sự tiến bộ trong suốt quá trình học của của các em. Có lẽ vì thế, nên đôi khi người ta còn hiểu dạng đánh giá này là đánh giá phát triển. Để đánh giá theo quá trình học tập, giáo viên chủ yếu dùng biện pháp quan sát và ghi chép hay phản hồi thường xuyên thông qua nhận xét bằng lời nói hoặc chữ viết chuyển tới HS. Đánh giá kết hợp và tham khảo với cha mẹ HS, với HS tự đánh giá hoặc các em đánh giá lẫn nhau.
Nếu giáo viên có kỹ năng đánh giá quá trình học tập của HS một cách khoa học, cùng với ý thức trách nhiệm cao của của mình thì hình thức đánh giá ưu việt này có rất nhiều lợi ích, hiệu quả tích cực, chẳng hạn:
Tất cả HS đều tự mình thấy được sự tiến bộ của mình, không cảm thấy bị sức ép như khi đánh giá bằng điểm số. Thông qua tự nhận xét, HS tự thấy mình hạn chế ở phần nào, chi tiết nào trong quy trình học và sau đó bản thân đã cố gắng như thế nào để vượt qua những thiếu sót đó.
HS và giáo viên đều cùng cố gắng để thực hiện thành công các nhiệm vụ của mình trong quá trình dạy học. Một khi HS chưa đạt được mục tiêu học, ngoài sự cố gắng của mình thì giáo viên, các bạn trong nhóm hợp tác giúp đỡ để mỗi HS đều học tập tiến bộ. HS có cơ hội tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau cũng như san sẻ công việc dạy học, hoạt động đánh giá của giáo viên. Giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho trưởng nhóm, hoặc các nhóm đánh giá nhận xét các quy trình học tập đơn giản, hoặc giúp đỡ những HS không hoàn thành được mục tiêu nhỏ về học tập. HS có nhiều cơ hội tương tác, hợp tác, phát triển các kỹ năng, thái độ về giao tiếp, phương pháp trình bày, tạo niềm tin.
Qua đánh giá quá trình học tập của HS, có rất nhiều cơ hội để đánh giá các năng lực, phẩm chất cho HS.
Tóm lại, cách đánh giá quá trình học tập của HS, thông qua nhận xét giúp các em rèn luyện phương pháp học theo cách tư duy khoa học để giải quyết một vấn đề, một tình huống cụ thể. Từ đó hướng cho HS phát huy phương pháp học tập độc lập, sáng tạo và thói quen học tập suốt đời sau này.