Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm và suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của các vùng DTTS. Ở đó công tác tuyên truyền đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp dân biết, dân hiểu và dân làm. Song, sử dụng các biện pháp, hình thức tuyên truyền thế nào để bà con hiểu và thực hiện không phải điều đơn giản.
Xung quanh vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với TS Lò Giàng Páo, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (Ủy ban Dân tộc).
PV: Thưa ông! Với hơn 40 năm tham gia vào nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, theo ông xuất phát từ nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống?
TS Lò Giàng Páo: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ riêng vùng dân tộc thiểu số mà ở vùng xuôi vẫn còn. Nguyên nhân trước hết phải kể đến là do lệ tục mang tính truyền thống. Bên cạnh đó, ở một số tộc người vấn đề cận huyết tạo ra mối quan hệ hai họ, đời nào cũng phải có một đôi lấy nhau để tạo mối quan hệ liên kết bền vững giữa hai họ. Cùng với đó, vấn đề tuyên truyền của chúng ta còn chưa đi sâu, đi sát vào thực tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, trong đó chủ yếu là do nhận thức hạn chế, tập quán của đồng bào DTTS còn lạc hậu, vẫn còn quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ tài sản, tâm lý muốn sớm có con, có người nối dõi, có thêm lao động trong gia đình... Mặt khác, trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật vẫn còn khó khăn, bất cập như: Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn…
Việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng bắt nguồn từ tập tục xa xưa. Chúng ta cần có những điều chỉnh gì để vừa bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc, nhưng cũng dần xoá bỏ được những hủ tục lạc hậu dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống?
Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống. Tuy nhiên khâu tuyên truyền của chúng ta hiện nay còn rất kém. Chúng ta cứ nói với nhau ở hội trường, qua sách vở nhưng nhiều người dân những vùng DTTS không tiếp cận được sách vở, thậm chí không biết đọc. Vì thế mô hình tuyên truyền phải áp dụng tùy từng vùng, đòi hỏi phải biết tiếng dân tộc để truyền tải được đến người dân. Nguyên nhân dẫn đến việc xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết là lệ tục của một số cộng đồng. Cả một cộng đồng người ta không bỏ thì một vài cá nhân rất khó để đi ngược lại với những lệ tục đó. Để khắc phục thì chúng ta phải tuyên truyền thật sâu rộng và phân tích tác hại mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây ra cần có ví dụ cụ thể. Vì thế vấn đề tuyên truyền rất quan trọng. Nhưng truyền thông của chúng ta chưa đưa lại được kết quả, không trở lại được với người dân. Muốn thế thì phải sử dụng lực lượng địa phương, phối hợp với trí thức, chính quyền địa phương có biện pháp tuyên truyền và ngăn cản ngay từ lúc manh nha.
Nhờ có sự chung tay của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền với các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương đã dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, tại một số vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra. Theo ông, chúng ta vẫn còn đang yếu và thiếu ở khâu nào để giảm thiểu tình trạng trên?
Các cuộc họp, tuyên truyền phải lồng ghép, thậm chí phải tuyên truyền ở các trường học về tác hại mà tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây ra. Cùng với đó phải có những người thực sự lao vào cuộc. Bản thân những người đi làm công tác phải lưu ý đến vấn đề này. Luật pháp cần phải hoàn chỉnh và thực hiện nghiêm. Cần có những cuộc thi với nhiều hình thức tuyên truyền, thậm chí là dàn dựng các tiểu phẩm để có thể tiếp cận sâu rộng đến với đồng bào vùng sâu vùng xa. Phát huy vai trò của các lực lượng đoàn viên thanh niên, phụ nữ, bộ đội biên phòng để dạy chữ cho người dân để từ đó công tác tuyên truyền có thể phát huy được hiệu quả.
Đẩy mạnh và đổi mới phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình. Trong đó, chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm (Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…), Tài liệu tuyên truyền phải thật ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát với thực tế và nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Cần tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, chú trọng hình thức tuyên truyền thông qua đội ngũ cán bộ các cấp cho đến thôn bản, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động, sân khấu hóa; hoạt động tuyên vận… Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Xin cảm ơn ông!