Sau nhiều tháng ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, người dân vui mừng khi nhận thấy tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè đã giảm rõ rệt. Vậy nhưng vẫn còn không ít nơi tiếp tục tái diễn, đặt ra các thách thức đối với chính quyền TP HCM.
Đường Bùi Viện trong khu Phố Tây luôn đông đúc khách du lịch ngồi trên vỉa hè ăn uống. (Ảnh: Hồng Phúc).
Tái diễn lấn chiếm
Tại một số đoạn đường như Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh), Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú), Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Đồ Xuân Hợp (Q.9), Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức) vẫn còn nạn hàng rong, chợ tự phát lấn chiếm vào các khung giờ cao điểm. Có một số tuyến như đường Dương Đức Hiền (Q.Bình Tân) và đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) dù các lực lượng trật tự đô thị đã xuống đường xử lý quyết liệt, nhưng đến nay vẫn có tình trạng ô tô, xe cộ tái lấn chiếm lòng đường và vỉa hè làm nơi đậu xe. Một số khu vực ven kênh Nhiêu Lộc dọc hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa trên địa bàn Q.3, Q.Bình Thạnh vẫn có hiện tượng các quán nhậu, quán ăn lấn chiếm tận dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi đậu đỗ xe cho khách, mặc cho lệnh cấm từ chính quyền các quận. Có thể nói, cứ nơi nào lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý thì tình hình lấn chiếm lòng, lề đường và vỉa hè có thuyên giảm, nhưng sau vài ngày thì đâu lại vào đó.
Một cán bộ phường Bình Trưng Đông cho biết, việc tái chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán là có diễn ra, nhưng rất khó xử lý, bởi chưa có kinh phí tái bố trí việc làm cho các hộ gia đình nghèo mà cuộc sống vẫn phụ thuộc vào việc “chạy chợ” hàng ngày. Điển hình tại khu vực đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ khu vực giao cắt của đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Lê Văn Thịnh vẫn còn tình trạng chợ tự phát mọc lên vào các buổi sáng sớm và chiều tối. Đa số các hộ tiểu thương này đều là các hộ gia đình khó khăn trên các địa bàn phường Bình Trưng Tây và Bình Trưng Đông (Q.2); số khác là những người nhập cư đến từ các tỉnh lân cận, sống tạm trú trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo chính vị cán bộ phường này thì hiện nay, do không có công việc làm ổn định, cuộc sống mưu sinh dựa chính vào bán hàng rong trên vỉa hè nên dù có ra quân xử phạt nặng, thu xe đẩy, phương tiện lấn chiếm, thế nhưng những người này cũng không có lựa chọn nghề nghiệp nào khác, ngoài vẫn…bán hàng rong.
Nhiều hộ bán hàng rong hai bên vỉa hè đường nội bộ vào chợ Tân Lập (Q.2) chia sẻ, chủ trương dọn dẹp thông thoáng vỉa hè, lòng đường của thành phố là đúng, nhưng chính người dân nghèo cũng chịu sự tác động từ chính sách này, cần được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp.
Cần nhiều giải pháp hợp lý
Theo ThS Võ Song Toàn- Phó trưởng khoa Luật Kinh tế - ĐH Ngân hàng TP HCM, trước sau gì thì việc công tư phân minh trong giành lại vỉa hè vẫn phải thực hiện vì TP HCM đang hướng đến đô thị thông minh. Nhưng, vấn đề làm sao giải pháp đưa ra thì vừa hài hòa lợi ích xã hội và vừa hài hòa lợi ích cá nhân.
Lấy khu phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, Q.1) làm dẫn chứng để góp ý giải pháp, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM, cho rằng, những tuyến đường như Bùi Viện, Đề Thám lâu nay khách du lịch vẫn quen uống bia, thưởng thức cà phê dưới vỉa hè rồi. Vốn dĩ lòng lề đường và vỉa hè của những tuyến đường này đã nhỏ và hẹp nên không nên có quy định cấm vỉa hè ở đây mà nên để tạo không gian vui chơi, đi bộ thoải mái cho du khách. Chuyên gia này đề nghị thành phố bên cạnh việc ra quân “giành vỉa hè” cũng nên tổ chức các hội thảo, tọa đàm tham khảo ý kiến của các chuyên gia giao thông, chuyên gia đô thị, xã hội để làm sao có những phương án quản lý đô thị phù hợp, vừa yên dân và vừa thúc đẩy bộ mặt đô thị hiện đại của thành phố.
Thực ra, Sở Giao thông - Vận tải TP HCM mới đây cũng đã có đề án nghiên cứu đến vấn đề sau chiến dịch “giành lại vỉa hè” sẽ thí điểm làm các khu dành riêng cho đi bộ của người dân thành phố, lấy trục đường đi bộ Nguyễn Huệ đã đưa vào sử dụng làm trục chính, kết nối với các tuyến đường Đồng Khởi về Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện Thành Phố, đường Lê Duẩn, Lê Lợi... Tuy nhiên, một đề án phố đi bộ bao quát cả trung tâm, với chu vi 7,35 km, tổng diện tích lên đến 221 ha cũng đang vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết, bởi không sớm thì muộn thành phố cũng phải tạo dựng một bộ mặt đô thị văn minh, trước ngưỡng dân số hơn 10 triệu dân. Và, dù bỏ qua mọi vấn đề còn bất cập thì chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho người nghèo, người bán hàng rong vẫn phải là trách nhiệm mà chính quyền thành phố cần phải cân nhắc thấu tình đạt lý.