Giỏi toàn diện chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Thầy cô giáo đứng trên bục giảng là tấm gương để cho học sinh soi vào. Nếu như thầy cô giáo chỉ giỏi đúng môn mình dạy thì chưa chắc đã đáp ứng được đòi hỏi của học sinh hiện nay.
Thầy giáo Hoàng Văn Sít (bên trái).
PV: Trong mùa tuyển sinh vừa qua, với ngành đào tạo giáo viên, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có quy định riêng điều kiện để tuyển sinh. Cụ thể, đối với trình độ ĐH, ngành đào tạo sử dụng 3 môn văn hóa để xét tuyển, học sinh tốt nghiệp THPT phải có xếp loại học lực năm lớp 12 từ loại giỏi trở lên. Đồng thời quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Quy định này có thực sự cần thiết đối với ngành sư phạm trong giai đoạn hiện nay không, thưa ông?
Thầy Hoàng Văn Sít: Những học sinh muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học sư phạm cần học lực lớp 12 xếp loại giỏi, đồng thời có ngưỡng đảm bảo chất lượng phù hợp. Theo tôi quyết định này về góc độ nào đó rất đúng nếu anh muốn tăng chất lượng dạy và học. Bởi chúng ta biết trong hệ thống giáo dục thì thầy cô giáo là việc quan trọng số 1 để nâng cao chất lượng của học sinh.
Bên cạnh đó, muốn thu hút được người tài vào các trường sư phạm, chúng ta cần quan tâm đến lộ trình tăng lương cho các thầy cô giáo để thu hút giáo sinh vào trường sư phạm. Đồng thời có chính sách cho các thầy cô giáo về dạy các vùng sâu vùng xa. Trước chúng ta có quy định giáo viên tham gia công tác 3 năm tại vùng sâu vùng xa được chuyển đổi công tác về vùng gần hơn, nhưng có nhiều thầy cô công tác tại vùng sâu vùng xa tới 10 năm, 20 năm vẫn chưa được chuyển đổi. Do vậy, có chính sách nhưng cũng cần thực hiện đúng, chứ đừng bắt các thầy cô ở đó suốt 10, 20 năm… Bên cạnh tăng lương cần xem xét cơ chế, tạo điều kiện như thế nào để các thầy cô giáo tiếp tục xung phong tình nguyện về dạy vùng sâu vùng xa. Qua quá trình thực tiễn thực hiện công tác ở những vùng này, các thầy cô giáo nhiệt tình dạy học sinh thì sẽ là tấm gương cho thế hệ trẻ tiếp tục noi gương, tạo được nếp tốt đẹp.
Sức hút của các trường sư phạm trong nhiều năm gần đây có vẻ đang giảm. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Hiện nay xu hướng chung là học sinh không thích ngành sư phạm lắm, có nhiều lý do khác nhau. Học sư phạm chế độ đãi ngộ, chính sách chưa phù hợp. Thứ hai lương rất thấp. Thứ ba tìm kiếm công ăn việc làm chưa được như mong muốn. Cho nên học sinh và giáo sinh nói chung người ta chưa thích ngành sư phạm, cần phải có thay đổi gì đó tương đối toàn diện mới có thể thu hút các giáo sinh vào các trường sư phạm.
Năm nay bộ GDĐT đưa quy chế nâng chất lượng đầu vào các trường sư phạm, thực tế đã thấy có nhiều trường không đủ học sinh. Thực sự khó có thể tuyển được người tài vào trường sư phạm, bởi thực tế chưa có nhiều chế độ đãi ngộ để khuyến khích họ vào các trường sư phạm.
Vậy theo ông, làm thế nào để giải quyết được bài toán thu hút được người tài vào trường sư phạm hiện nay?
- Để giải được bài toán này có lẽ một mặt chúng ta vẫn đưa ra tiêu chí cần phải có những học sinh đạt được học lực xếp loại giỏi mới được xét tuyển vào trường đại học sư phạm, trong khi đó vẫn có thể chấp nhận những học sinh học lực khá trong thời kỳ chuyển tiếp này, với điều kiện họ có nguyện vọng thực sự. Đặc biệt ưu tiên cho đối tượng những học sinh vùng sâu xa, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc đảm bảo ngưỡng đầu vào trong thi tuyển vẫn là cần thiết.
Thêm nữa, cũng cần có học bổng toàn phần cho các học sinh học các trường sư phạm. Có lẽ Bộ GDĐT cần đề nghị để được thực hiện ngay chế độ học bổng toàn phần cho các sinh viên sư phạm, không kể học đại học hay trung cấp.
Về phía giáo viên, cũng cần đáp ứng vấn đề lương bổng. Cơ chế chính sách là vấn đề nhà nước, nhưng lương cho thầy cô không nhất thiết toàn bộ lương đó phải từ ngân sách nhà nước. Mà hiện nay nhà nước đang huy động nguồn lực từ các nguồn xã hội hóa giáo dục, thì chúng ta hoàn toàn có thể huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau, tạo điều kiện cho các thầy cô có cuộc sống tốt hơn, về bảo hiểm, y tế… Như vậy mới khuyến khích được thầy cô giáo tâm huyết với nghề, cũng như khuyến khích nhiều học sinh giỏi thi vào trường sư phạm.
Nhiều người phản biện lại việc nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm rằng, không nhất thiết phải giỏi toàn diện mà chỉ cần giỏi các môn sẽ tham gia giảng dạy sau này. Quan điểm của ông như thế nào?
- Giỏi toàn diện chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Thầy cô giáo đứng trên bục giảng là tấm gương để cho học sinh soi vào. Nếu như thầy cô giáo chỉ giỏi đúng môn mình dạy thì chưa chắc đã đáp ứng được đòi hỏi của học sinh hiện nay. Bởi học sinh hiện nay có những đòi hỏi rất toàn diện không như thời xưa nữa. Và học sinh hiện nay học rất nhiều từ các trang mạng, từ internet, nếu thầy cô giáo không biết nhiều, không biết rộng chỉ biết đúng chuyên môn của mình thì chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu của học sinh hiện nay.
Xin cảm ơn ông!