Kinh tế

“Giấy thông hành” cho nông sản vươn xa

A.Minh 02/04/2024 06:31

65ha chuối của gia đình anh Hoàng ở Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ đã được cấp mã số vùng trồng. Đây là tiền đề để nông sản của gia đình anh Hoàng vươn ra thị trường nước ngoài.

anhbaitren.png
Một vườn chuối ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Ảnh: danviet.vn

Gia tăng sản phẩm được cấp mã số vùng trồng

Anh Lê Huy Hoàng ở khu 11, xã Đan Thượng cho hay, gia đình anh đã được cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho diện tích 65ha chuối trồng ở đất bãi ven sông. Bên cạnh đó, hàng năm, anh được tập huấn, cập nhật kiến thức về quy trình kỹ thuật, chăm sóc, bón phân, ghi nhật ký canh tác, các yêu cầu đặt ra của thị trường... “Việc này giúp nông dân nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm để xuất khẩu” – anh Hoàng nói.

Tính đến cuối năm 2023, huyện Hạ Hòa được cấp 11 giấy MSVT, gồm 4 MSVT cho cây chè và 7 MSVT cho cây rau, cây ăn quả, bao gồm: bí xanh xã Văn Lang, bưởi xã Đại Phạm, cam xã Yên Kỳ, thanh long xã Ấm Hạ, đu đủ, dưa lê và chuối xã Vĩnh Chân.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), vùng trồng (PP) là một vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Mã số vùng trồng hay mã số đơn vị sản xuất (PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Vùng trồng đối với cây ăn quả tối thiểu 10 ha. Đối với rau gia vị hay cây trồng khác thì tùy theo diện tích thực tế của nhà lưới, nhà kính và yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Phú Thọ cho rằng, MSVT được xem như “giấy thông hành” cho nông sản để xuất khẩu. Khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Mỗi MSVT thể hiện tên nước, tỉnh và số định danh. Ví dụ, mã số vùng trồng sầu riêng tỉnh Bến Tre là VN - BTOR - 0008, tỉnh Tiền Giang là VN - TGOR - 0180, Đồng Nai là VN - DNOR - 0091, Bình Phước là VN - BPOR-0031…

Việc xây dựng MSVT đã góp phần tạo chuyển biến nhận thức của người dân và doanh nghiệp, khuyến khích họ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từ đó ngày càng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống.

“Tấm hộ chiếu” của nông sản xuất khẩu

Ông Hà Văn Tú - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Biển Xanh ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hoà, Phú Thọ cho biết, từ tháng 6/2021, công ty được cấp MSVT cho 50ha chuối. Trên cơ sở này, công ty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở đóng gói sản phẩm để xuất khẩu. Ngoài ra, công ty còn liên kết, bao tiêu, đóng gói sản phẩm của các hộ dân khác cũng đã được cấp MSVT, tạo nên vùng nguyên liệu hơn 100ha để phục vụ xuất khẩu.

“Việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm và được cấp MSVT giúp nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác, từ đó làm gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh của quả chuối, mang lại quyền lợi và giá trị kinh tế cao hơn cho doanh nghiệp” - ông Tú nói.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025, Phú Thọ thực hiện cấp MSVT cho 179 mã cây chè với diện tích 6.000ha; bưởi 222 mã với 3.000ha; chuối 70 mã với 1.000ha; rau 150 mã với 890ha. Năm 2023 cấp 201 mã với diện tích 3.540ha. Riêng cây chè, đến năm 2025, tỉnh có kế hoạch 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp MSVT cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Sở NNPTNT Phú Thọ cho hay, trong giai đoạn 2022 - 2023, toàn tỉnh đã được cấp 102 MSVT, trong đó có 27 MSVT xuất khẩu cấp năm 2022 trở về trước và 4 MSVT nội địa cấp năm 2022. Trong 27 MSVT xuất khẩu, có 18 MSVT bưởi xuất khẩu sang EU và Mỹ cho 9 vùng trồng với diện tích trên 360ha tại các huyện Đoan Hùng, Yên Lập; 9 MSVT chuối xuất khẩu sang EU và Trung Quốc cho 9 vùng trồng với diện tích gần 300ha tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hoà, Tam Nông, Cẩm Khê.

Từ tháng 3/2023, Bộ NNPTNT đã phân cấp cho các địa phương quản lý mã số vùng trồng. Tính đến thời điểm này, cả nước có 7.000 MSVT và hơn 1.600 cơ sở đóng gói đáp ứng 11 thị trường. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng được cấp nhiều MSVT và cơ sở đóng gói hơn cả với gần 4.000 MSVT và hơn 600 cơ sở đóng gói, chiểm tỷ lệ lần lượt là gần 60% và 40% tổng mã số cả nước.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Phú Thọ cho rằng, mã số vùng trồng được xem như “giấy thông hành” cho nông sản để xuất khẩu. Khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Giấy thông hành” cho nông sản vươn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO