Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Gìn giữ di sản văn hóa

Nam Việt 04/05/2024 18:16

Sau hơn 20 năm ban hành, Luật Di sản văn hóa đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa ra trình Quốc hội để tiếp tục xin ý kiến bổ sung, sửa đổi vào kỳ họp tới đây, với kỳ vọng Luật khi được thông qua sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản - vấn đề được nhiều người quan tâm suốt thời gian qua.

Tính tới tháng 12/2023, Việt Nam có 15 Di sản văn hóa phi vật thể được Unesco công nhận, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (công nhận vào năm 2003); Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005); Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù (cùng năm 2009); Hội Gióng (năm 2010); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Nghệ thuật đờn ca tài tử (cùng năm 2013); Hát xoan (năm 2014); Nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam (2015); Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ (2016) Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ và Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (cùng năm 2017) Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam và Nghệ thuật Xòe Thái (cùng năm 2019); Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (năm 2022).

Trong bản cập nhật của Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện cả nước có 107 Di tích đặc biệt cấp quốc gia; 485 Di sản văn hóa phi vật thể. Chưa tính tới các di tích được cấp địa phương công nhận.

Như vậy, có thể nói, Việt Nam là “cường quốc di sản” hàng đầu thế giới. Người Việt Nam tự hào về sợi dây gắn kết quá khứ - hiện tại - và tương lai thông qua di sản vật thể và phi vật thể.

Luật Di sản văn hóa (có hiệu lực từ ngày 1/1/2002) cho thấy Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc đối với lĩnh vực này, tạo được không ít thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thời gian cũng đã lâu, xã hội phát triển nhanh chóng, nhiều vấn đề mới nảy sinh… thì những vướng mắc, bất cập từ Luật đã bộc lộ sự tụt lại so với thực tiễn cuộc sống.

Cụ thể là việc trong khi khuyến khích các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác công - tư, phát triển du lịch văn hóa... thì Luật Di sản văn hóa hiện hành lại chưa có quy định nội dung hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội. Do đó, cùng với mặt được thì cũng phát sinh không ít hệ lụy, nhất là trong việc đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp thiếu cân nhắc đã làm sai lạc giá trị gốc của di sản.

Gần đây, người ta hay nói đến chuyện hồi hương cổ vật. Vậy nhưng, nếu nhìn dưới góc độ Luật, chưa có một điều khoản nào quy định về việc này. Tuy Luật cũng đã cho phép mua cổ vật thông qua thương lượng, đấu giá, nhưng lại chưa “mở đường” cho việc mua cổ vật từ nước ngoài về nước bằng ngân sách nhà nước. Sau màn “giải cứu” thành công ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi cuối năm ngoái, thì phiên đấu giá công khai hàng loạt cổ vật triều Nguyễn (với 273 món hàng), trong đó đáng chú ý có kim bài, ngọc khánh của vua Khải Định, kiếm báu của vua Hàm Nghi… được tổ chức bởi Hãng đấu giá Drouot (Pháp) cũng vướng phải vấn đề pháp lý về nguồn ngân sách.

Một vấn đề nữa cũng rất thời sự là du lịch gắn với việc “đánh thức” di sản. Tới nay, các địa phương trong cả nước rất coi trọng kết hợp khai thác giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đó là điều đúng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tính thương mại, lợi nhuận đã lấn át những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều di tích bị biến dạng, khiến các điểm đến khó thoát khỏi cảnh xô bồ, bát nháo.

Đã có nhiều ý kiến bày tỏ thái độ không đồng tình khi di sản bị “bóc lột” vì mục đích phát triển du lịch. Điều đó cho thấy phải có những quy định pháp luật cụ thể để vừa bảo tồn được di sản, vừa phát triển được kinh tế địa phương. Cần phải tìm đến sự cân bằng. Giá trị kinh tế là trước mắt, nhưng giá trị văn hóa lại lâu dài. Điều đó trước hết thuộc về trách nhiệm của ngành văn hóa, ngành du lịch và chính quyền địa phương nơi có di tích. Cần phải ngăn chặn những “cú bắt tay” trục lợi khiến cho di tích mất tính thiêng, mất sự hấp dẫn của quá khứ - như một chất men được chưng cất qua hàng trăm, hàng nghìn năm.

Không thể để những di tích, di sản văn hóa, những bảo vật truyền đời tổ tiên, ông cha để lại cho muôn đời con cháu lại bị phá hỏng. Nguy hiểm hơn khi sự hủy hoại lại đến từ chính chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ di sản văn hóa