Đốt vàng mã là một tập tục đã gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh người dân Việt Nam. Nghi thức thực hành tín ngưỡng này phản ánh rõ nét cung cách ứng xử của con người với thế giới thần linh, đồng thời thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên, tín ngưỡng văn hóa tốt đẹp này lại đang bị nhiều nơi, nhiều đối tượng lợi dụng, làm biến tướng...
Biến tướng
Tập tục đốt vàng mã ở nước ta đã có từ lâu và có sự gắn kết chặt chẽ với quan niệm tín ngưỡng cho rằng có sự tồn tại của thế giới bên kia. Nhiều người quan niệm, người đã khuất khi được nhận vàng mã (thông qua việc đốt, hóa) sẽ phù hộ và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sống.
Nói về ý nghĩa của tục đốt vàng mã, GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, các nghi lễ có sử dụng vàng mã trong đời sống tín ngưỡng là một phong tục truyền thống hàm chứa những ý nghĩa tốt đẹp.
“Tục đốt vàng mã không chỉ phản ánh cách con người ứng xử với thế giới thần linh mà còn thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Về mặt kinh tế, nhu cầu sử dụng vàng mã lớn kéo theo thị trường vàng mã phát triển, tạo công ăn việc làm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho không ít hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vàng mã” - bà Loan nói.
Cho đến nay, nghi thức thực hành tín ngưỡng này vẫn được lưu truyền trong các nghi thức thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên nét đẹp của phong tục này đã bị mờ nhạt do bị lạm dụng, người ta đốt vàng mã một cách bừa bãi, vô tội vạ, đua nhau đốt tiềm ẩn nhiều hệ lụy và rủi ro.
Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hàng mã chạy đua với thời đại được sử dụng để đốt cho người đã khuất như điện thoại, iPad, nhà lầu xe hơi… đủ kiểu dáng, hình thức. Nhà ít điều kiện hơn thì sắm sửa tiền vàng và một vài bộ quần áo để đốt cho thần linh, tổ tiên ông bà, người đã khuất với niềm tin người âm sẽ nhận được. Những mặt hàng vàng mã được sản xuất theo tư duy “trần sao, âm vậy”, cho thấy sự biến tướng, lệch lạc trong nhận thức của nhiều người.
Không chỉ ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của một nghi thức thực hành tín ngưỡng có giá trị truyền thống lâu đời mà sự lạm dụng này còn gây ảnh hưởng tới môi trường, gây mất mỹ quan cho quang cảnh chốn linh thiêng. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn rủi ro về hỏa hoạn.
Theo bà Loan, lạm dụng vàng mã trong nghi lễ đã góp phần tạo cơ hội cho mê tín dị đoan phát triển. Do hám lợi hoặc quá mê tín, nhiều người đã tuyên truyền hoặc tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng, chèn ép người đi lễ, khiến cho họ phải bỏ ra nhiều tiền để mua vàng mã sử dụng cho nghi lễ.
Sớm chấn chỉnh
Tín ngưỡng hay tôn giáo là sự phản ánh thế giới thực mà con người đang sống. Con người luôn lấy sự tồn tại và nhu cầu của chính mình để xây dựng nên thế giới tâm linh cho họ. Vì vậy, việc người dân lấy nhu cầu của mình để xác định nhu cầu cho tổ tiên, người đã khuất cũng là điều có thể hiểu được. Bên cạnh đó, đồ mã còn cho thấy tài năng của người nghệ nhân. Vì vậy việc cấm hoàn toàn việc sử dụng đồ mã là điều bất hợp lý, khó khả thi.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc hạn chế đốt vàng mã trong thời gian vừa qua. Nhờ sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc đốt vàng mã ở các chùa đã giảm đi đáng kể. Song theo ông Sơn, chúng ta vẫn còn nhiều điều phải làm, cần có thêm những nỗ lực để tập tục đốt vàng mã đi vào quy củ.
“Ngoài biện pháp vận động nhân dân hạn chế sử dụng vàng mã, cần hướng người dân vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã ở đúng nơi, đúng chỗ. Tôi cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, việc làm gương của các cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và nâng cao ý thức của tất cả người dân, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh” - ông Sơn nói.
Còn theo GS.TS Từ Thị Loan, nên tiếp tục cho phép người đi lễ được sử dụng vàng mã trong nghi lễ nhưng ban hành quy định, tuyên truyền khuyến khích người đi lễ chỉ đốt một phần lễ tượng trưng. Ban hành và thực hiện quy định không cho các loại vàng mã kích thước lớn vào lễ, hóa trong đền, chùa.
Cùng với đó, nhà quản lý cần ban hành và thực hiện quy định không đốt vàng mã trong khu di tích. “Cần tuyên truyền và khuyến khích người dân đi lễ thay vì bỏ tiền mua sắm vàng mã để đốt hóa chuyển sang hình thức đóng góp vào quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội các đền, chùa, nhằm làm nhiều việc khác có ích hơn. Cùng với đó, thay đổi thời gian đốt vàng mã và đốt tập trung. Ban hành và thực hiện quy định không đốt vàng mã trong phạm vi đền. Xây dựng nhà kho hay tháp vàng mã để lưu giữ tạm thời số lễ vật” - bà Loan nêu quan điểm.