Việc gần 10.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc kể từ năm 2021 tới nay tiếp tục làm nóng dư luận, tuy vấn đề không còn mới. Dẫu thế thì, vẫn rất cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân để có cách chặn “làn sóng” ấy. Đặc biệt, cần sớm có giải pháp “giữ chân người ở lại”, để bảo toàn đội ngũ cũng như bổ sung, kiện toàn lực lượng cho ngành y tế.
Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nắm chính xác tới từng cơ sở y tế công lập số lượng cán bộ, nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc, số tuyển mới từ năm 2021 đến tháng 6/2022. Trong đó, có bao nhiêu người thôi việc, bao nhiêu người chuyển sang cơ sở y tế tư nhân, bao nhiêu người chuyển hẳn sang nghề khác...
Trước đó, ngày 12/7, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 4282 về việc khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế; bảo đảm nhân lực y tế; có giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Những ngày qua, trên các phương tiện báo chí, truyền thông, từ “đau đầu” xuất hiện nhiều khi nói về tình trạng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc. Đó thực sự là nỗi lo lớn của xã hội vì sức khỏe bao giờ cũng là mỗi quan tâm hàng đầu của mỗi một con người. Nhất là với những người đã và đang phải “sống chung với bệnh tật”, rất cần sự chăm sóc, điều trị của thầy thuốc. Vì thế, “làn sóng” nhân viên y tế “ra đi” khiến nỗi lo ngày một lớn.
Làm gì để ngăn làn sóng bất thường ấy? Và làm gì để những người đang làm việc trong các bệnh viện, cơ sở y tế yên tâm ở lại phục vụ nhân dân? đó là vấn đề rất lớn.
Nếu như ở các đô thị, thầy thuốc thôi việc, bỏ việc đã là một thiệt thòi lớn, thì ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, điều thiệt thòi đó lại càng lớn hơn. Vì có được một bác sĩ phục vụ tại vùng khó là một điều quý, nên mất một người sẽ không dễ gì bù lại được ngay, người dân càng phải chịu thiệt thòi khi bệnh tật dày vò. Đáng tiếc điều đó đã diễn ra tại không ít tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.
Nhiều nguyên nhân lý giải cho việc nhân viên y tế bỏ việc hàng loạt. Trong đó nổi lên 3 vấn đề. Thứ nhất: lương và thu nhập thấp. Thứ hai: áp lực của môi trường làm việc lớn. Thứ ba: lãnh đạo cơ sở y tế không tạo được điều kiện làm việc cần thiết cho cán bộ, nhân viên.
Với lý do thứ nhất thì dễ nhìn thấy, khi mà nhiều y, bác sĩ cơ sở y tế công ngoài giờ làm việc phải làm thêm nhiều việc khác kiếm thêm để lo cho gia đình. Với lý do thứ hai, hầu hết nhân viên y tế đều cho rằng cùng với việc đãi ngộ thấp là sự thiếu hụt nhân lực, nên họ phải làm việc nhiều hơn, bị phân công kiêm nhiệm thêm cả những việc ngoài chuyên môn, dẫn đến áp lực nặng nề. Tuy nhiên, đáng chú ý là lý do thứ ba: lãnh đạo cơ sở y tế không tạo được điều kiện làm việc cần thiết cho cán bộ, nhân viên.
Tại sao lại nói rằng đây là lý do đáng chú ý hơn? Vì trên thực tế, khi nói về tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc thì chính những người này chủ động phát ngôn và được coi đó là phát ngôn chính thức. Cũng có nghĩa là mặc nhiên họ không nói đến lý do do chính họ gây ra, trong khi đây lại là lý do rất quan trọng. Có thể nêu ví dụ: Với chủ trương xã hội hóa, những tưởng các bệnh viện được “cởi trói”, nhưng trên thực tế không ít lãnh đạo do năng lực quản lý yếu kém đã không đưa được bệnh viện đi lên, ngược lại còn tạo ra khó khăn, kể cả việc nợ lương nhân viên nhiều tháng ròng.
Một ví dụ khác: Gần đây, khi nói về việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, một số ý kiến cho rằng do các cơ sở y tế không dám tổ chức đấu thầu, vì sợ sai, sợ bị bắt, trong đó có nguyên nhân thể chế pháp luật chưa rõ ràng. Nhưng xét ra đó chỉ là một cách tự biện hộ, còn sâu bên trong chính là thái độ, trách nhiệm, bản lĩnh và cái tâm của người đứng đầu các cơ sở y tế. Không dám đấu thầu là do lãnh đạo chứ có phải do nhân viên y tế đâu mà viện ra lý do nọ lý do kia.
Trở lại vấn đề, có giải pháp ngăn “làn sóng” nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc là cần thiết. Nhưng thiết tưởng rất quan trọng và lâu bền phải là phải làm gì đó để “giữ chân người ở lại” và bổ sung nguồn nhân lực mới cho ngành y tế.
Trong khó khăn, thì đây cũng chính là thời điểm để chúng ta hy vọng một sự thay đổi lớn: từ lương và thu nhập thực tế, môi trường làm việc cho đội ngũ thầy thuốc; cho đến cung cách quản lý của hệ thống y tế nước nhà. An Hà