Kinh tế

Giữ “đầu ra” bền vững cho nông sản

Việt Hà 30/11/2023 07:18

Ngoài hạt gạo và trái sầu riêng đắt hàng khi thời gian gần đây giá liên tục tăng, được thương lái săn đón, thì nhìn chung nhiều loại nông sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chật vật lo đầu ra. Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, dù Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nhiều chuỗi liên kết nhưng thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi.

cover.jpg
Cần hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao hơn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hiền Thanh.

Những ngày này, người dân Vĩnh Long đang tất bật thu hoạch vụ cam sành. Cam năm nay được mùa, nhưng không mấy ai vui, là bởi giá cam hiện được thương lái thu mua chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, khiến nông dân lỗ nặng.

Chập chờn đầu ra, nông dân lo “bẻ kèo”

Vĩnh Long hiện có trên 70.000ha diện tích đất trồng cây lâu năm, trong đó cây có múi chiếm gần 40% với các loại như cam, bưởi, quýt, chanh. Do những năm trước, giá cam bán tại vườn khá cao, từ 17-20.000 đồng/kg, thu lợi nhuận tốt nên bà con đua nhau gia tăng diện tích, dẫn đến cung vượt cầu và giá sụt giảm mạnh.

Còn tại Cà Mau, vụ tôm vừa qua, người dân xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước chưa kịp vui mừng trúng đậm lại đã lo vì tôm rớt giá. Chỉ trong vòng 2 tháng, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 15 -17.000 đồng/kg. Giá tôm giảm liên tục khiến nhiều hộ nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người trót đầu tư lớn, khi giá tôm sụt giảm, thu không đủ chi, nợ nần chồng chất.

Tình cảnh tương tự diễn ra với người trồng sầu riêng. Ông Võ Văn Sơn - cán bộ Khuyến nông thị trấn Phong Điền (TP Cần Thơ) cũng là người trồng sầu riêng có tiếng ở Phong Điền chia sẻ, thời gian gần đây trái sầu có giá, được thương lái tìm đến tận vườn thu mua. Ngoài ra, bà con nông dân cũng biết điều chỉnh để trái sầu ra nghịch vụ, nên thường không phải lo về đầu ra. Tuy nhiên, nông dân cũng rất muốn sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, doanh nghiệp và người dân cùng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chính quyền địa phương đứng ra đảm bảo, khi đó nông sản mới đảm bảo bền vững về đầu ra, không phải lo thị trường chập chờn lên xuống.

Còn ông Thiều Quang Hải (59 tuổi, nông dân tỉnh Hậu Giang) chia sẻ, vụ thu đông vừa rồi mặc dù nhiều thương lái đặt cọc lúa với giá cao nhưng theo cách buôn bán truyền thống như hiện nay, nông dân vẫn dễ lâm vào cảnh thiệt thòi nếu chẳng may giá lúa bất ngờ giảm mạnh.

“Hiện giá lúa tăng cao, nông dân mới bớt phần nào nỗi lo, chứ trước đây, câu chuyện thương lái bỏ cọc, không thu mua khiến nông sản phải chờ giải cứu không còn xa lạ với bà con. Đơn giản như hạt lúa, nếu nhận cọc trước, khi giá lúa xuống mình vẫn bị ép bán thấp chứ thương lái người ta bỏ cọc luôn, bởi tiền cọc lúa chỉ vài trăm nghìn đồng, còn nông dân thì không thể không bán bởi giữ lúa lại là hỏng, mốc” - ông Hải nói.

Đây không phải là nỗi niềm của hạt lúa, con tôm hay trái sầu riêng mà của chung nhiều loại nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nút thắt của ĐBSCL là tiêu thụ hàng hóa chứ không thiếu hàng hóa.

anhbaichinh.jpg
Nông dân Vĩnh Long thu hoạch cam sành. Ảnh: V.Hà.

Các chuỗi liên kết còn yếu

Thời gian qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Ðồng Tháp, đã tập trung tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi và hình thành, phát triển một số mô hình liên kết tiêu thụ nông sản. Như Đồng Tháp có mô hình Hội quán rất thành công. Đó là hình thức liên kết tự nguyện của nông dân, nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản rất hiệu quả. Các Hội quán đã ký kết với các công ty trong việc tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc ký kết đã nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất phải bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, khi nông sản đảm bảo chất lượng, có thương hiệu thì việc tiêu thụ không còn là vấn đề khó khăn.

Còn ở Tiền Giang, nhắc đến thành công của mô hình liên kết, người ta hay nói đến hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới với Công ty TNHH một thành viên Phước Lộc Thiên Hộ. Hai bên bắt tay liên kết sản xuất từ 200 - 300ha lúa mỗi năm với giống lúa ST24, Nàng hoa 9. Các diện tích lúa này được canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ nên ST24 và Nàng hoa 9 đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Chất lượng hạt gạo được đảm bảo, đầu ra nhờ thế cũng luôn ổn định, nông dân chỉ tập trung sản xuất, không còn canh cánh lo khi đến vụ mùa thu hoạch.

Hay như tại Long An, chính quyền và các ngành chức năng cũng đã nỗ lực đẩy mạnh quá trình liên kết giữa người sản xuất và các nhà chế biến, hệ thống phân phối để đưa nông sản tới các địa phương cả nước và xuất khẩu. Hiện lượng nông sản của Long An đưa về tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) thuộc diện nhiều nhất khu vực ĐBSCL.

Thế nhưng, đó chỉ là những điển hình tại một số địa phương, còn nhìn chung việc liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị trong thời gian qua vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Khắc Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội DN ĐBSCL cho biết, việc kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân vẫn là khâu yếu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do tập tính, thói quen sản xuất chưa chuyên nghiệp. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, do làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát nên sản xuất manh mún, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao, khó cạnh tranh.

Ví như người nông dân ký với DN bao tiêu một loại nông sản, nhưng khi thị trường biến động, giá cả tăng cao thì có trường hợp lại hủy kèo, làm khó DN đã ký cam kết trước đó. Hay ngược lại, cũng có DN hứa đảm bảo đầu ra nhưng khi hàng hóa gặp khó, thì lại “bỏ của chạy lấy người”. Bởi vậy, cần phải xây dựng những chuỗi liên kết bền vững, có tính chuyên nghiệp cao. Các bên liên kết cần ký hợp đồng để thống nhất giá cả, hình thức chia sẻ rủi ro và các nội dung cần thiết khác.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, liên kết chủ yếu nhất ở ĐBSCL là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực, như thủy sản, lúa gạo, trái cây, rau màu. Thế nhưng hiệu quả của việc liên kết không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi.

Để khắc phục, thời gian tới vùng ĐBSCL cần hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao hơn. Chỉ khi hình thành được các chuỗi giá trị cao mới hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Đầu tư để tăng sức cạnh tranh

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp nhưng quy mô sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng giao thông và logistics thiếu và yếu; nguồn lao động có tay nghề qua đào tạo còn thấp...

Đặc biệt, điểm yếu về logistics đã tạo thêm gánh nặng cho hạt gạo nói riêng và các loại nông sản nói chung ở sức cạnh tranh. Toàn bộ nông sản hiện phải trung chuyển lên miền Đông Nam bộ, đường nhập khẩu vào các hệ thông cảng hoạt động 30% do tắc nghẽn luồng vào, tàu lớn chưa vào được đã đẩy chi phí lên cao, tạo ra sức ỳ nông sản.

Với những hạn chế về hạ tầng, logistics, theo ông Hiệp, rất cần cơ chế chính sách đặc thù để cải thiện. “Theo tôi, những điểm nghẽn nông sản của ĐBSCL đang gặp phải, gồm điểm yếu về hạ tầng giao thông và logistics; lực lượng lao động thiếu tay nghề; công nghệ chế biến ở ĐBSCL đang thiếu những DN có quy mô, đầu tư lớn để tạo ra sản phẩm gia tăng xuất khẩu. Vùng ĐBSCL đang thiếu cơ chế để thúc đẩy ưu đãi, ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp chế biến” – ông Hiệp cho biết đồng thời kiến nghị, Trung ương cần sớm có chính sách quan tâm phát triển về cơ sở hạ tầng, gắn với logistics và đặc biệt là nguồn nhân lực. Để tạo ra một cơ chế chính sách riêng thì khó nhưng trước mắt, cần có những dự án, cơ chế hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là điều kiện, các địa phương trong vùng cũng phải năng động trong thực thi chính sách, thì mới có thể tăng thu hút đầu tư được.

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp:

Nông dân nặng gánh cả hai đầu

anh-ong-hiep.jpg

Tôi cho rằng, khó khăn trong sản xuất của người nông dân giống như cái đòn gánh họ gánh trên vai, trĩu nặng cả đầu vào và đầu ra.

Trước tiên nói về hạt lúa. Một vài vụ gần đây bà con nông dân rất mừng vì lúa được giá, thương lái săn đón từ đầu bờ thửa ruộng. Thế nhưng, so với cách đây 10 năm thì giá lúa hiện tại, nông dân không lãi là bao, trồng lúa vẫn chưa thực sự hấp dẫn.

Vì vậy, cần tiếp cận hạt lúa theo chuỗi giá trị. Mặc dù thời gian qua người ta bàn rất nhiều về chuỗi liên kết, nhưng sự liên kết giữa các tác nhân vẫn lỏng lẻo. Cụ thể ở đây là đầu vào, hiện nay người nông dân muốn mua vật tư sản xuất cho năm sau phải mua chịu, cuối mùa bán lúa trả nợ. Đó là một hình thức tín dụng không chính thức, mua chịu thì khi trả phải đồng thời trả cả lãi, nông dân lâm vào cảnh yếu thế. Quá trình sản xuất và tiêu thụ cũng thế, DN không thu mua được từ nông dân mà vẫn phải qua thương lái khiến chi phí trung gian đẩy lên. Như vậy lợi nhuận của người nông dân vẫn không cao. Đây chính là lỗ hổng trong chuỗi liên kết cần phải sớm được tháo gỡ.

Ngoài ra, muốn nâng cao giá trị cho hạt lúa thì người nông dân phải kết hợp đa giá trị. Chẳng hạn như tích hợp giữa trồng lúa với nuôi thủy sản, nông nghiệp với làm du lịch, có như vậy mới có thể làm giàu từ cây lúa, con tôm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ “đầu ra” bền vững cho nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO