UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người”. Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cần có công trình cấp Nhà nước về đề tài dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người.
Một gia đình người Si La ở Điện Biên.
Phát huy sức mạnh cộng đồng
5 dân tộc dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu cư trú chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum. Do điều kiện sống còn khó khăn, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế. Có dân tộc, ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn. Có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống. Thậm chí trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hoá.
Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc học đã có cảnh báo về nguy cơ mất bản sắc văn hóa truyền thống của 5 dân tộc này. Các cơ quan quản lý Nhà nước và Mặt trận cũng đang tập trung các giải pháp, chính sách và dự án để hỗ trợ các dân tộc nói trên.
Ông Vũ Dương Châu, Trưởng Ban Dân tộc - UBTƯ MTTQ Việt Nam - chủ nhiệm đề tài cho biết: Kết quả của đề tài nghiên cứu “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người” là căn cứ cần thiết không chỉ giúp cho Mặt trận có phương thức thích hợp trong việc vận động xây dựng nông thôn mới ở các địa phương có 5 dân tộc ít người sinh sống mà còn giúp Mặt trận có những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước về những chính sách bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người.
Qua khảo sát thực tế, Mặt trận các cấp ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên thực tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Châu nhấn mạnh, mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là phát huy sức mạnh của cộng đồng để xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn các giá trị của văn hóa truyền thống. Do vậy, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng cuộc sống mới đi đôi với việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không đánh đổi việc phát triển kinh tế để làm mất đi bản sắc văn hóa tộc người.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của chủ thể văn hóa tham gia tích cực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 5 dân tộc ít người nói trên. Theo ông Châu, không thể một tổ chức, cá nhân nào có thể làm thay vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc đó nếu không có sự vào cuộc của cộng đồng đó. Vì thế, cùng với sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị -xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc ít người tự ý thức để giữ gìn, phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cùng với việc khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, hòa nhập được với cộng đồng các dân tộc khác trong vùng.
Công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người không chỉ là công việc của các cấp chính quyền mà còn là sự đồng thuận của các dân tộc theo quan điểm “ý Đảng, lòng dân”, trên cơ sở đổi mới tư duy cách làm, hành vi, ý thức trách nhiệm trong xã hội và của mỗi một công dân trên cơ sở xây dựng một hệ thống chính sách phù hợp. Đồng thời, định hướng và vận động cộng đồng các dân tộc gắn việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, dịch vụ.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ VN Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phát triển sâu sắc hơn đề tài “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người”.
Chủ thể chính là đồng bào
Với công tác phối hợp của Mặt trận trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người, UBMTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội họp, các hoạt động văn hóa thể thao, lễ hội của các dân tộc, Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Đặc biệt coi trọng hình thức tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản, ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để người dân hiểu rõ và nhận thức tốt hơn về công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng trước nguy cơ mai một. Đặc biệt, cần có chính sách khen thưởng, động viên xứng đáng đối với những nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu, những người “giữ hồn dân tộc”, nơi lưu giữ một lượng lớn những tri thức dân gia của cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật -Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), chúng ta cần bảo tồn toàn bộ hay cần chọn lọc những gì cần phát huy. Như tiếng nói, chữ viết của cả 5 dân tộc này có cần bảo tồn hết hay không? Và muốn bảo tồn được phải có giải pháp gì. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân tại sao các nét văn hóa lại mai một. Cũng theo TS.Nhật, cần làm rõ hơn nội dung và vai trò Mặt trận các cấp, trong đó cán bộ Mặt trận địa phương cần phải làm gì? Nhất là địa phương có 5 dân tộc ít người nói trên.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Trần Hậu cho rằng, nên phân biệt 2 thực trạng văn hóa các dân tộc ít người và công tác bảo tồn phát triển văn hóa các tộc người và phân tích nguyên nhân của thực trạng công tác này. Thứ hai vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải giải quyết một cách cơ bản, lâu dài trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số….
Phải hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là gì? bản sắc văn hóa các dân tộc ít người là gì? vì lâu nay chưa ai đề cập. Chúng ta không làm thay được việc duy trì, bảo tồn văn hóa của dân tộc, chủ thể phải chính là đồng bào. Nhà quản lý phải chỉ cho đồng bào bảo tồn cái gì, loại bỏ cái gì? Những thực tế này không được làm rõ thì Mặt trận các cấp không tránh được lúng túng. Phải phân biệt cho được Mặt trận các cấp làm gì? Đáng lưu ý với các dân tộc thiểu số, vai trò của những người có uy tín và đặc biệt quan trọng.
Đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của Ban chủ nhiệm đề tài, theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ VN Trần Thanh Mẫn, đây là đề tài có yêu cầu của Ban Thường trực, cũng là yêu cầu của Đảng và Nhà nước để chúng ta tìm hiểu sâu về giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc thiểu số dưới 1.000 người. Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần làm rõ vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Cần quan tâm ý nghĩa, thực tiễn của đề tài. “Tôi cho rằng, rất cần một công trình cấp Nhà nước nghiên cứu về dân tộc thiểu số dưới 1.000 người” – ông Trần Thanh Mẫn nói.