Giữ lửa cho Hội An

Thanh Tùng 23/09/2019 08:00

Đêm 21/9, tại công viên văn hóa TP Hội An diễn ra chương trình biểu diễn thực cảnh ký ức, chào đón lượt khách thứ 1 triệu. Cùng với đền tháp Mỹ Sơn, tại Hội An cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phong phú kỷ niệm 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm của Hội An là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Giữ lửa cho Hội An

Nhà cổ ở Hội An. Ảnh Thanh Tùng.

Tuy nhiên, những ngày qua, đô thị cổ, cảng thị sầm uất từ thế kỷ XVII, XVIII đã bộc lộ các “hạt sạn” trong giao thương, buôn bán khiến dư luận phải quan tâm, lên tiếng. “Ông cha là người thắp đèn, cháu con là người giữ lửa”. Tại lễ vinh danh đón nhận Di sản Thế giới cách đây hơn 20 năm, một lãnh đạo Hội An thời đó kỳ đã nói câu này.

Chuyện quán cà phê trong lòng phố cổ chỉ chào đón khách Tây (đến từ châu Âu, châu Mỹ), từ chối phục vụ khách ta (khách Việt) rộ lên trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tuần vừa qua, thực tế chỉ là giọt nước tràn ly, bộc lộ một cung cách, tư duy buôn bán nhỏ lẻ, lỗi thời. Từ một cảng thị sầm uất của “xứ đàng trong” của thế kỷ XVII, XVIII, biến động lịch sử khiến Hội An bị lãng quên, trở thành một thị xã già nua, tẻ nhạt, thậm chí còn được ví là nơi để dưỡng già! Những căn nhà hình ống rêu phong, có giếng trời, mắt cửa cùng với bóng cau, tiếng thoi đưa dệt lụa ở các làng quê mượt lắng ven sông Hoài; như choàng tỉnh vào cuối những năm 1990 bởi sự cương quyết gìn giữ phố cổ cho tương lai của lãnh đạo địa phương. Chủ trương lớn của địa phương, được sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của dư luận, đã đem lại cho đô thị cổ sức sống mới. Tên tuổi Hội An bắt đầu được biết đến trên bản đồ du lịch.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngoài sự quyết liệt, quyết tậm của lãnh đạo địa phương, của truyền thông, thì các vị khách “Tây ba lô” đầu tiên đặt chân đến Hội An là những người có công lớn trong việc đưa hình ảnh Hội An ra thế giới. Các chàng trai, cô gái trẻ đến từ châu Âu, châu Mỹ cùng hành trang là chiếc ba lô bụi bặm phong trần, từ chối khách sạn, chỉ xin được ngủ nhờ nhà dân hay trong những con đò dọc sông Hoài, đã đưa hình ảnh đẹp về sự thân thiện, mộc mạc, chân tình trong giao tiếp, buôn bán của người Hội An lan tỏa khắp thế giới. Chỉ vài năm sau những bước chân của các khách Tây du lịch, ba lô bụi, Hội An đã mặc định là điểm đến của khách châu Âu, châu Mỹ và khách Việt Nam từ mọi miền đất nước. Người Hội An đôn hậu, chân chất, xa lạ với cung cách bán buôn chụp giật, là một trong những lý do để Hội An được đón du khách thứ 1 triệu vào đêm 21/9 vừa qua. Có gì đó thật khó hiểu, khi những “hạt sạn” trong buôn bán của các cửa hàng, cửa hiệu ở trung tâm phố cổ Hội An và ngày cả ở những làng quê ven sông Hoài, được lan truyền trên mạng xã hội. Những “hạt sạn” trong buôn bán làm chạnh lòng cả những người sinh ra, lớn lên bên dòng sông Hoài. Việc phân biệt đối xử khách Tây, khách ta ở Hội An từng được du khách phản ánh nhiều trên mạng xã hội. Rất nhiều khách Việt vào cửa hàng, cửa hiệu hay hàng quán ở Hội An cũng tham phiền bị tính tiền như khách Tây. Chẳng hạn có người uống ly cà phê đen ở một quán bình dân, bị tính giá đến 70.000 đồng, Thắc mắc thì được chủ quán trả lời rằng quán chỉ phục vụ Tây vì thế nên giá tiền cũng tính theo giá bán cho khách Tây!

Hội An hiện nay có hấp lực rất lớn với du khách. Họ đến Hội An để thăm thú, mua sắm và dành nhiều tình yêu cho phố cổ. Vì thế nên mỗi sự việc không hay trong giao tiếp, buôn bán xảy ra ở Hội An đều được dư luận quan tâm. Trong khi dư chấn về việc chủ quán cà phê từ chối phục khách Việt chưa thể lắng xuống thì rất đáng mừng, là lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa của TP Hội An đã lên tiếng. Theo đó, việc chủ quán Cyclo’s Road Café trên đường Bạch Đằng đôi co với khách và từ chối phục vụ 3 người Việt Nam (2 nữ, 1 nam) đến từ TP Hồ Chí Minh vào ngày 8/9 được xác định là có thật. Chính quyền và người dân TP không ủng hộ việc này. Việc dư luận và báo chí lên tiếng trong những ngày qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo để mỗi người dân Hội An tự nhìn lại mình, suy xét tâm thế và hành vi ứng xử, để hình ảnh Hội An ngày càng thân thiện, gần gũi hơn trong tình cảm của bè bạn khắp và du khách.

Hồn cốt phố cổ, tình người mộc mạc khiến Hội An trở thành điểm đến của du khách quốc tế trong suốt hơn 2 thập kỷ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Những gì mà cộng đồng lên tiếng, phê phán cần được chính quyền, cơ quan quản lý và người dân đô thị cổ lắng nghe trên tinh thần cầu thị để Hội An luôn lấp lánh trên bản đồ di sản và để du khách đến với Hội An ngày một đông hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ lửa cho Hội An

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO