Hơn 40 năm qua, cựu chiến binh Mai Văn Lụa đã âm thầm băng đèo, lội suối, trở lại chiến trường xưa, đến những nơi mà ông và đồng đội đã từng chiến đấu để tìm kiếm những đồng đội đã ngã xuống, sớm đưa các anh hùng liệt sĩ về với gia đình, với quê hương.
Bền bỉ kiếm tìm
Dù đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng với ông Mai Xuân Lụa (75 tuổi, thương binh 3/4, ở thôn Phú Ổ (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khi nào còn sức khoẻ thì ông tiếp tục tìm kiếm những đồng đội đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 40 năm qua, ông Mai Văn Lụa đã âm thầm băng đèo, lội suối, trở lại chiến trường xưa, đến những nơi mà ông và đồng đội đã từng chiến đấu để tìm hài cốt liệt sĩ, đưa các anh trở về bên gia đình và quê hương.
Trong ngôi nhà nằm khép mình giữa một vườn cây xanh mướt, ông kể: “Năm 19 tuổi, tôi đi theo cách mạng và được tổ chức phân công phụ trách công tác liên lạc ở vùng Hương Chữ, Hương Trà, thuộc chiến trường Trị Thiên. Lúc đó, chiến trường rất ác liệt, công việc liên lạc rất gian khổ, hiểm nguy và không biết sống chết lúc nào.
Trong những năm công tác, tôi đã đưa nhiều đơn vị vượt trận tuyến tiếp viện cho thành phố Huế. Chiến đấu sát cánh cùng đồng đội, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều đồng chí, đồng đội cho đến tận ngày giải phóng, trong tôi vẫn lưu giữ những hình ảnh khó quên của một thời đau thương nhưng đầy hào hùng”.
Nhấp một ngụm nước chè, ông Lụa tiếp lời: “Tết Mậu Thân 1968, trong một lần thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, tôi không may bị trúng bom địch, sức ép và mảnh bom làm cho cánh tay trái của tôi bị thương nặng, không còn khả năng vận động, vết thương đó đã đi cùng tôi từ thời điểm đó cho đến nay”.
Sau ngày đất nước giải phóng, người thương binh hạng 3/4 Mai Xuân Lụa trở về với cuộc sống đời thường và đảm nhiệm công việc của một cán bộ tại xã Hương Chữ (nay là phường Hương Chữ). Thế nhưng, trong tâm khảm của một người lính, ông luôn trăn trở về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc.
“Là một người lính, bản thân tôi luôn trăn trở và cố gắng tìm kiếm, cất bốc để đưa các anh trở về với quê hương, với gia đình, nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bản thân mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để chúng ta có được như ngày hôm nay. Đây cũng chính là tâm niệm của mình sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng”, ông Lụa tâm sự.
Bắt đầu từ năm 1988, bằng trí nhớ và trực giác của mình, ông đã đi đến các địa điểm mà trước đây diễn ra những trận đánh lớn, thu thập thông tin, cũng như trực tiếp đến những nơi có tin về mộ liệt sĩ để tìm kiếm. Khi tìm thấy, ông nhanh chóng báo với Ban Chỉ huy quân sự các cấp và chính quyền địa phương để tổ chức tìm kiếm, quy tập và đưa về an táng.
Đến nay, sau hành trình dài hơn 40 năm đi tìm đồng đội, bản thân ông Mai Xuân Lụa đã trực tiếp tìm kiếm khoảng 120 mộ phần liệt sĩ, phối hợp cùng với gia đình và các cơ quan chức năng tổ chức truy điệu, an táng trang nghiêm.
Mong muốn đưa đồng đội trở về
Những ngày còn sức khoẻ, ông thường đi nhiều, về đến các địa phương để tìm kiếm, thu thập thông tin về mộ phần các anh hùng liệt sĩ. Thế nhưng, bây giờ sức khoẻ giảm sút, đi lại cũng khó khăn hơn trước. Điều ông có thể làm lúc này là hướng dẫn, tham mưu cho cơ quan chức năng để tìm kiếm các hài cốt anh hùng liệt sĩ để đưa về an táng.
“Bản thân tôi giờ tuổi đã cao, không thể tiếp tục công việc tìm kiếm như trước đây nữa. Niềm mong muốn duy nhất lúc này của tôi lúc này là các đơn vị chức năng đang làm công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ nên đi về các địa phương để thu thập thông tin, tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ để sớm đưa tất cả các anh trở về. Đó không chỉ là niềm tha thiết của bản thân tôi mà còn là niềm mong mỏi của thân nhân gia đình các anh hùng liệt sĩ”, ông Lụa tâm sự.
Chia sẻ thêm về cuộc sống đời thường của mình, ông Mai Xuân Lụa cho biết, bản thân ông là thương binh hạng 3/4, hai vợ chồng ông có 3 người con, trong đó người con đầu không may bị nhiễm chất độc da cam.
“Từ công việc nhà cho đến việc đồng áng, tất cả đều do một tay vợ tôi đảm nhiệm”, ông Lụa nói.
Bà Nguyễn Thị Suối, vợ ông Mai Xuân Lụa cho biết, chồng bà là người rất nặng tình với đồng đội. Hễ cứ nghe ở đâu có thông tin về mộ liệt sĩ là ông không ngần ngại trèo đèo, lội suối, cơm đùm cơm nắm lên đường để đi tìm kiếm.
“Bây giờ, tôi và các con cháu trong nhà cũng chỉ mong ông luôn có được nhiều sức khỏe để tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của mình. Để những đồng chí, đồng đội, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sớm trở về với gia đình, với người thân”, bà Suối chia sẻ.
Ông Lê Đình Nam - Bí thư Đảng uỷ phường Hương Chữ cho biết, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Mai Xuân Lụa luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh.
Theo ông Nam, nghe tin ở đâu có mộ liệt sĩ, ông Lụa cùng với một số người khác đều tìm đến để tìm kiếm, cất bốc để đưa về an táng nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương hoặc gia đình thân nhân các anh hùng liệt sĩ có nhu cầu đưa về quê hương.
Rời ngôi nhà của ông cũng là lúc những tia nắng bắt đầu tắt vội để “nhường chỗ” cho ánh hoàng hôn dần buông, trong suy nghĩ của mình, chúng tôi vô cùng cảm phục trước những công việc thầm lặng nhưng đầy nhân văn của ông Mai Xuân Lụa đối với những đồng chí, đồng đội của mình đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Còn nữa)
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có hơn 17.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những năm qua, công tác chăm sóc đời sống người có công, gia đình chính sách luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Ngoài chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời, hàng tháng và nhân dịp lễ, tết hoặc những lúc ốm đau, các đơn vị nhận phụng dưỡng, chính quyền, đoàn thể kịp thời thăm hỏi, chăm lo sức khỏe, động viên tinh thần các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, quà tặng của tỉnh được ngành đề xuất tăng về số lượng và đối tượng người có công và thân nhân người có công với 11.259 suất quà với tổng kinh phí hơn 2,26 tỷ đồng.