Là huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hóa, với nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, Bá Thước vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đặc trưng bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, người Mường.
Để bảo tồn, phát huy giá trị và tạo thêm thu nhập, một số hộ gia đình dân tộc Thái, Mường trên địa bàn huyện Bá Thước đã tìm tòi, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Bà Hà Thị Lâm - dân tộc Thái, trú tại thôn Tân Thành (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) được bà con trong cộng đồng người Thái tại Bá Thước coi là một nghệ nhân trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ tinh mơ tới tối mịt, bà luôn ngồi bên chiếc khung cửi đã nâu bóng vết thời gian. Với bà, dệt thổ cẩm cũng chính là góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc có từ lâu đời do cha ông để lại.
Những tấm vải thổ cẩm được bà Lâm khéo léo dệt thành những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình như váy, áo, khăn, đệm ngồi, chăn, gối, khăn trải bàn, rèm cửa... Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm thổ cẩm của bà Lâm còn được nhiều khách du lịch biết đến với tính đa dạng và màu sắc bắt mắt, tiện dụng. Chính vì thế, thổ cẩm cũng đang mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình bà. Bà Lâm cho biết: Nghề dệt thổ cẩm chủ yếu do thế hệ trước đây truyền lại, có những thời điểm tưởng như bị mai một do sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên mấy năm gần đây thông qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề do ngành văn hóa và địa phương phối hợp tổ chức đã thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia, trong đó có cả thế hệ trẻ cùng chung tay bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp về các sản phẩm thổ cẩm truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước. “Cộng đồng người Thái ở đây luôn nhắc nhau phải giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Mỗi sản phẩm làm ra chứa đựng cả tâm huyết, truyền thống lịch sử văn hóa của đồng bào người Thái chúng tôi” – bà Lâm chia sẻ.
Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng tại Khu du lịch Pù Luông, các mặt hàng dệt thổ cẩm tại các thôn, bản ở Bá Thước từ chỗ chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây, nay đã và đang phát triển mạnh, dần trở thành sản phẩm thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch.
Gặp chúng tôi khi đang cùng gia đình đi nghỉ dưỡng tại khu du lịch Pù Luông, ông Lê Nguyên Phương – một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Gần như năm nào vào đây du lịch kết hợp với khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, chúng tôi cũng tìm mua các sản vật mang tính đặc trưng của dân tộc để làm quà lưu niệm. Trong đó, tôi rất ấn tượng nếu không muốn nói là mê mẩn với những sản phẩm dệt truyền thống của bà con dân tộc Thái, Mường sinh sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Luông. Các sản phẩm từ thổ cẩm ở đây đều được bà con dệt thủ công, chất lượng mềm, mịn, màu sắc sặc sỡ và có độ bền rất cao giá thành lại rất phù hợp”.
Để bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với huyện Bá Thước đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc phục vụ phát triển du lịch cho hàng trăm học viên là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao...
Trong điều kiện hoạt động du lịch cộng đồng ở huyện Bá Thước và các huyện miền núi tại Thanh Hóa ngày càng phát triển, bên cạnh các sản phẩm du lịch hấp dẫn thì bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng được du khách ưa thích tìm hiểu và trải nghiệm. Nhờ gắn với hoạt động du lịch cộng đồng Pù Luông mà nghề dệt thổ cẩm tại huyện Bá Thước đang được quan tâm phát triển. Những người phụ nữ nơi đây cũng có điều kiện tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khẳng định: Huyện Bá Thước luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng; từ đó tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận dệt thổ cẩm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện nghề dệt thổ cẩm đang phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc huyện Bá Thước nói chung, dân tộc Thái, Mường nói riêng. “Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và tâm huyết của người yêu nghề, hy vọng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mường huyện Bá Thước sẽ ngày càng phát triển để vừa bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, vừa góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân nơi đây” – ông Thắng nói.