Chia sẻ về công tác giúp đỡ người nghèo thoát nghèo hiệu quả, Trung tướng Trần Quang Phương- Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho rằng, chúng ta phải thường xuyên đánh giá mô hình, nếu không thiết thực phải lập tức chuyển đổi để tìm cách khác với tinh thần cung cấp cần câu chứ không cung cấp con cá.
Trung tướng Trần Quang Phương.
PV: Thưa ông, Bộ Quốc phòng đã có rất nhiều cách làm mang lại hiệu quả lớn trong việc chung tay vì người nghèo. Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc tổ chức vận động toàn quân tham gia chung tay vì người nghèo như thế nào?
Trung tướng Trần Quang Phương: Quân đội tham gia phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” có thể nói là điểm sáng trong các lực lượng trong hệ thống chính trị. Qua việc thực hiện của quân đội đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả. Chúng tôi có thể nêu lên một số kinh nghiệm. Điều đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ chiến sĩ một cách sâu sắc rằng, việc chung tay vì người nghèo ở đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm gắn bó máu thịt thiêng liêng giữa quân đội với nhân dân. Và đây cũng là sự đền ơn, đáp nghĩa của những đứa con được nhân dân sinh thành, nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che.
Thứ hai là cần khảo sát, đánh giá đúng đối tượng người nghèo trên từng địa bàn, bởi hiện nay, đối tượng có nhiều, đó là những người nghèo do yếu thế, có sức lao động nhưng vẫn nghèo…,trên cơ sở này chúng ta phân tích và có hình thức giúp đỡ người nghèo một cách thiết thực hơn.
Đối với những người yếu thế, chúng ta có thể đỡ đầu, cung cấp phần quà để người ta đủ sức sống, để cống hiến cho xã hội. Còn với người có sức lao động, cơ bản là chúng ta giúp bằng các phương tiện lao động sản xuất, bằng cây con giống, hướng dẫn cách sinh kế cho bà con. Có thể nói các đoàn kinh tế Quốc phòng và các đơn vị của Quân đội đã thực hiện rất chu đáo việc này.
Thứ ba là sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành địa phương cũng như các bộ, ngành Trung ương để đánh giá cho đúng tính chất nghèo của mỗi địa bàn từ đó chủ động xây dựng kế hoạch và có phương pháp tiến hành. Qua những đợt như vậy, hằng năm phải rút kinh nghiệm sâu sắc, phải xem hiệu quả tới đâu để chúng ta xác định biện pháp tiếp theo cho tốt hơn.
Trên cơ sở những kinh nghiệm này, trong nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng tham gia phong trào này rất tích cực và được Đảng,Nhà nước đánh giá cao. Các bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ chính quyền địa phương thường xuyên ủng hộ và đặc biệt là được nhân dân rất ủng hộ. Qua đó để thấy rằng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ nào cũng là con em của nhân dân, cũng sát cánh kề vai với nhân dân để vượt qua đói nghèo vươn lên xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, đời sống nhân dân ngày càng ấm no.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã có nhiều sáng tạo trong việc hỗ trợ người nghèo nhưng trên các tuyến biên giới, hải đảo vẫn còn rất nhiều bà con nghèo. Vậy trong thời gian tới, theo ông cần có những đổi mới như thế nào để giúp cho bà con trên khắp các tuyến biên giới, hải đảo nói riêng và bà con nghèo cả nước nói chung thoát nghèo?
- Đối với các vùng trọng điểm về an ninh, đặc biệt đồng bào nghèo trên các tuyến biên giới, hải đảo, chúng tôi phát huy sức mạnh tổng hợp, nhưng lấy lực lượng nòng cốt là Bộ đội Biên phòng cùng bộ đội địa phương và các đoàn kinh tế quốc phòng trọng điểm để tham gia. Vấn đề quan trọng nhất với đồng bào biên giới nơi hải đảo xa xôi là hướng dẫn cho người dân biết phát huy thế mạnh tài nguyên cũng như đất đai, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây công nghiệp, nông nghiệp xoá đói giảm nghèo.
Đồng thời, chúng ta cũng phải thường xuyên đánh giá mô hình, nếu không thiết thực phải lập tức chuyển đổi để tìm một cách khác với tinh thần cung cấp cần câu chứ không cung cấp con cá.
Hưởng ứng lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam từ Chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo 2019, và bắt đầu Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-18/11), Bộ Quốc phòng đã có nhiều sự hỗ trợ đối với người nghèo qua kênh Mặt trận.Để tiếp tục phát huy những giá trị nhân văn này, ông mong muốn điều gì?
- Hy vọng trong thời gian tới MTTQ Việt Nam tiếp tục vận động nhiều hơn nữa những đóng góp của các tổchức và cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước có tiềm lực tham gia tích cực hơn. Với số tiền 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo qua Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, chúng tôi mong muốn MTTQ cần quản lý và phân bổ nguồn lực sao cho đúng, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!