Tuy chiến lược tuyển sinh đại học (ĐH) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lo lắng, thử nghiệm từ khoảng 10 năm nay, nhưng xem chừng vẫn còn nhiều thách thức. Điều này làm lung lay chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao, đón đầu cho giai đoạn công nghiệp 4.0 của quốc gia.
Cơ cấu lệch
Cơ cấu đào tạo hiện nay chưa phù hợp mà người ta thường gọi là “thừa thầy, thiếu thợ”. Ở nước ta, tỉ lệ bậc ĐH và trên ĐH là 1, trung học chuyên nghiệp là 1,3 và công nhân kỹ thuật là 0,92. Trên thế giới, tỉ lệ tương ứng này là 1- 4 -10. Ở các nước phát triển đã giữ được sự cân đối giữa 3 lĩnh vực đào tạo, đó là: Nghiên cứu khoa học - Ứng dụng và Công nghệ - Nghề nghiệp.
Tuy nhiên, ở trong nước các ngành nghề trong những lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định đến việc hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh với thế giới đang thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó một số ngành xã hội, kinh tế lại thừa lao động.
Năm 2012 có 15% lao động có trình độ ĐH trở lên làm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở xuống, đến năm 2017 tỉ lệ này mới tăng lên được 23%. Tỉ lệ gần 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã đi làm ngay, số còn lại tiếp tục học lên là cao, là định hướng nghề nghiệp của chúng ta đã thất bại. Xu thế này phản ánh sự lãng phí trong đầu tư cho đào tạo và sử dụng lao động trình độ cao, mặt khác cho thấy sự chưa tương xứng giữa bằng cấp và chất lượng thực sự của lao động được đào tạo; đồng thời đặt ra yêu cầu đào tạo phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường thay vì đào tạo cái mà người lao động muốn. Nhiều trường ĐH lập ra, nhưng chất lượng đào tạo rất thấp, nguồn nhân lực có chất lượng kém, không đủ đáp ứng khả năng cầu của thị trường lao động. Đa phần các trường khối ĐH tư, có tình trạng chú ý nhiều tới hình thức để duy trì thương hiệu cho tuyển sinh, ít chú ý hoặc bất khả kháng để nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhìn ra các nước trong khối ASEAN, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore, 56,7% của Indonesia và 87,4% của Lào. Người lao động được qua đào tạo vào năm 2010 đạt 40%, nhưng tới năm 2020 cũng chỉ tăng tới 65%. Phải chăng chất lượng các trường phổ thông, quá trình đào tạo người lao động, trong đó có khâu tuyển chọn đầu vào qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, có vấn đề? Và liệu ai, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm?
Cần chiến lược dự báo nguồn nhân lực
Muốn xây dựng được chiến lược phát triển nguồn nhân lực chính xác, thì Nhà nước, trước hết là Bộ GDĐT cần tiến hành tốt công tác dự báo nhu cầu và thị trường lao động, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ và dạy nghề trong cả nước cho phù hợp. Phải có quyết tâm lựa chọn những cách làm bài bản, theo một lộ trình nhất định. Vẫn biết những mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể phá vỡ thị trường lao động, làm đảo lộn chiến lược nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao, nhưng đó là nguyên nhân khách quan. Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay trong quy hoạch, dự báo và đào tạo là sự thay đổi nhanh chóng và khó dự báo do các tiến bộ công nghệ và tác động của nó đến thị trường lao động.
Tự chủ ĐH trong đó có tự chủ tuyển sinh là đúng nhưng phải buộc các trường theo sát chiến lược nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao. Tất cả vì quyền lợi, vì nhu cầu chọn nghề của thí sinh là đúng, nhưng thay đổi nguyện vọng tới 3 lần lại làm rối loạn và gây khó khăn cho lọc ảo tuyển sinh.
Theo thống kê, lĩnh vực nông nghiệp thu hút tới hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỉ lệ có bằng cấp chỉ chiếm 6%; lao động có bằng cấp ở khu vực dịch vụ là hơn 70%, trong khi số lao động chỉ chiếm 34%; tỉ lệ lao động có bằng cấp trong các ngành công nghiệp, xây dựng chỉ có 20%. Sự phát triển nguồn nhân lực không thể tách rời mà có quan hệ hữu cơ với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Tuy nhiên cái cách mà chúng ta đang triển khai đổi mới giáo dục phổ thông và xem diễn biến các kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn và thiếu niềm tin. Cần phải định hướng cho học sinh hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề đúng đắn. Học sinh phổ thông phải có danh mục các ước mơ và được ghi trang trọng đặt ngay trên bàn học trong góc học tập. Đó là định hướng cuộc đời của mỗi người trẻ và phải được rèn luyện, phát triển dài lâu, ngay từ những năm đầu cấp học tiểu học.