Kinh tế

Gỡ điểm nghẽn để đón “đại bàng”

THÀNH LUÂN 31/01/2024 09:48

TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố đã đặt ra nhiều giải pháp tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong năm 2024 để đón thêm nhiều dòng vốn lớn vào đầu tư phát triển.

anhbaitren(2).jpg
Đoàn doanh nghiệp ngành điện tử bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ sang thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Công nghệ cao TPHCM vào cuối năm 2023. Ảnh: Hồng Phúc.

Tổng cục Thống kê công bố “top” các địa phương thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023, trong đó TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước khi thu hút được khoảng 5,85 tỷ USD. Riêng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) của đô thị này lần đầu tiên đạt kỷ lục trên 1 tỷ USD kể từ khi thành lập mô hình KCN cho đến nay. Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, được ví như những “đại bàng” của các nền kinh tế phát triển tiếp tục đặt niềm tin vào đô thị đông dân nhất của Việt Nam. Theo đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, chỉ riêng dự án của First Solar (Hoa Kỳ) đã đạt trên 1 tỷ USD (cả đầu tư đăng ký ban đầu và các lần tăng vốn). Đây là nhà sản xuất hàng đầu Hoa Kỳ về các mô - đun quang điện và cũng là nhà cung cấp các giải pháp về năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới hiện nay.

Một “đại bàng” của Mỹ khác là Tập đoàn Intel đến nay đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Theo SHTP, hiện nay Intel Products Việt Nam là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới Intel toàn thế giới. Ngoài ra, một “đại bàng” từ Hàn Quốc là Samsung HCMC CE Complex (SEHC) đã trở thành DN sản xuất hàng điện tử, gia dụng lớn nhất trực thuộc Tập đoàn Samsung đã “rót” khoảng 2,84 tỷ USD đầu tư tại SHTP cho đến nay. Cũng theo SHTP, dự án của SEHC đã mở rộng tổng diện tích lên tới 94ha kể từ khi đầu tư vào TPHCM cho đến nay.

Nhờ những “đại bàng” công nghệ cao, công nghiệp điện tử, chíp bán dẫn,…từ các quốc gia phát triển, đã giúp TPHCM 2 năm liên tiếp đứng ở vị trí "quán quân" về thu hút FDI. Tuy nhiên, để duy trì vị thế này, TPHCM còn nhiều việc phải làm, nhất là cần cải cách nhiều thủ tục và nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cho các ngành công nghệ cao. Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, đối diện với việc quỹ đất giảm 68%, quỹ nhà xưởng cho thuê giảm 8,5% so với năm ngoái, hiện nay thành phố tập trung lựa chọn, chắt chiu hơn để thu hút các nhà đầu tư lớn, trong bối cảnh quỹ đất càng ngày càng ít đi. Để giải bài toán thiếu quỹ đất, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II, với quy mô khoảng 668ha vào quy hoạch phát triển các KCN cho TPHCM. Về phía Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cũng đang đề xuất đưa vào quy hoạch hàng ngàn héc-ta quỹ đất cho KCN của TPHCM. Nếu đề xuất này được thông qua cũng sẽ tạo thêm nguồn lực đất đai chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đối với các nhà đầu tư đang gặp khó khăn về pháp lý chưa hoàn chỉnh ở các KCN (Cát Lái, Hiệp Phước, Cơ khí ô tô...) cũng đang được UBND thành phố xem xét, tháo gỡ từng bước. Một trong những điểm nghẽn lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang được UBND TPHCM chỉ đạo các Sở ban ngành, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố, Khu Công nghệ cao thành phố tìm giải pháp để đào tạo, bổ sung cho các DN đầu tư nước ngoài. Bởi vì, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của riêng TPHCM mà còn là vấn đề chung của nhiều địa phương trên cả nước. Hàng năm, lượng sinh viên tốt nghiệp các khối ngành kỹ thuật - công nghệ vẫn chưa đủ để cung ứng cho các KCN của TPHCM. Chỉ tính riêng trong ngành vi mạch bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, mục tiêu đến năm 2030 Trung tâm Đào tạo - Khu Công nghệ cao TP sẽ đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, trung tâm phải huy động nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học lớn, có uy tín hợp lực lại.

Ngoài các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn trong năm 2024 và giai đoạn trung hạn đến 2030, hiện nay Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cũng đang tạo ra động lực và hành lang cơ hội lớn để đô thị “đầu tàu” của cả nước vận dụng vào thu hút các “đại bàng” từ nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn để đón “đại bàng”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO