Xuất khẩu nông sản, đặc biệt là ngành rau quả đang được đà tăng trưởng. Dự báo cả năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ cán mốc 5 tỷ USD. Để gia tăng giá trị xuất khẩu, giới chuyên gia khuyến cáo, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng trái cây.
Ấn tượng với trái cây Việt Nam
Theo thông tin từ Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippines bởi người tiêu dùng Nhật Bản thích ăn sản phẩm chuối Việt hơn.
Nhiều loại nông sản của Việt Nam như chuối tươi, sầu riêng đang hoàn thành giấc mơ xuất khẩu tỷ đô. Các cơ hội cho xuất khẩu trái cây ngày càng lớn khi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand… ngày càng ưa chuộng trái cây Việt Nam.
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, mặc dù các số liệu cho thấy ngành nông sản của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tích cực, song vẫn đang đối diện nhiều thách thức khi thị trường nhập khẩu ngày càng đưa ra nhiều quy định chặt chẽ, khắt khe hơn. Các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các luật, các quy định mới cụ thể hóa 2 mục tiêu trên mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27.
Chẳng hạn với thị trường EU, giữa tháng 5 đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cuối tháng 6 ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Có thể thấy, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đối với hàng xuất khẩu ngoài chất lượng và giá cả, khách hàng ngày càng khó tính hơn, ưu tiên lựa chọn hàng hóa từ những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Do vậy, theo bà Hiền, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu. Xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Ông Trần Minh Thắng - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để đưa được mặt hàng nông sản, trái cây vào thị trường này. Điều này yêu cầu quá trình canh tác, trồng trọt cần tuân thủ nghiêm túc các quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần cải thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo tính đồng bộ trong quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển nhằm kiểm soát ổn định được nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng cho trái cây.
Doanh nghiệp chủ động thích nghi
Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Bình (Trảng Bom – Đồng Nai) Lý Minh Hùng, HTX không chỉ tập trung nhân rộng diện tích vùng trồng mà quan tâm đầu tư để tăng năng suất, chất lượng cho trái chuối xuất khẩu. Hiện HTX có 120ha chuối canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân thu hoạch chuối trên 1ha dao động. HTX đã đầu tư dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh đến các máy móc sơ chế, chế biến… và sẽ tiếp tục đầu tư cho khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị cây chuối xuất khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng cho biết, doanh nghiệp đang đồng hành với nông dân, sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu và những yêu cầu khác từ các đối tác để nông dân chủ động điều chỉnh trong sản xuất để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định. Việc xây dựng những vùng trồng bền vững hơn có ý nghĩa rất quan trọng vì trái cây của Việt Nam chỉ cần đạt yêu cầu về chất lượng thì thị trường xuất khẩu còn rất giàu tiềm năng, nhất là vào những thị trường mới như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Trong lĩnh vực cà phê, ông Thái Vĩnh Hiệp - Chủ tịch thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, hiện các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng chuyển đổi số và số hóa toàn bộ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp cho người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế biết được họ uống một ly cà phê của Việt Nam có nguồn gốc ở đâu, sản xuất, chế biến như thế nào. Theo ông Hiệp, đây là con đường tiến tới tương lai của doanh nghiệp, vì vậy bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện mình thì cần minh bạch để đi xa hơn.
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Simexco Đắk Lắk, cho rằng, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ trước đó nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà EU đưa ra. EUDR sẽ giúp cà phê Việt Nam có thể tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới so với các nước cũng trồng cà phê nhưng chưa có sự chuẩn bị về vấn đề này.
Là nước có thế mạnh nông nghiệp, nông sản Việt Nam đã dần tạo được vị thế tại nhiều thị trường. Bản thân doanh nghiệp, người sản xuất cũng rất nhanh nhẹn thay đổi các phương thức sản xuất xuất xanh, bền vững để đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Giới chuyên gia đưa ra khuyến nghị để có thể gia tăng lợi thế xuất khẩu, doanh nghiệp nông sản cần nắm chắc về nguyên tắc xuất xứ, xem các thành phần và áp dụng quy tắc xuất xứ nào trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nắm rõ các quy định mới thị trường nhập khẩu để sản xuất theo đúng yêu cầu, thị hiếu của thị trường.