Bộ NNPTNT sẽ phối hợp cùng bộ, ngành và địa phương để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi còn tồn đọng.
9 tháng đầu năm ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, duy trì đà tăng trưởng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7%, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, khó khăn từ nay đến cuối năm là rất lớn.
Khó chồng khó
Tác động của dịch Covid-19 đã khiến ngành nông nghiệp gặp không ít thách thức. Tuy đã đạt 35,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD không phải dễ vì nguồn nguyên liệu hiện nay còn gặp khó khăn, hơn nữa do khống chế dịch bệnh nên lưu thông, vận chuyển khôi phục lại sản xuất là bài toán phải tháo gỡ. Đáng nói là hiện nay lĩnh vực trồng trọt không còn dư địa để tăng trưởng, chỉ có chăn nuôi và thủy sản là khả quan.
Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, hai lĩnh vực này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thực phẩm rớt giá cộng với giá vật tư, nguyên liệu tăng khiến tâm lý người chăn nuôi không muốn tái đàn.
Thống kê gần đây cho thấy, giãn cách xã hội ở Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm khoảng 30%, do đó dư thừa tại chuồng. Đặc biệt gà công nghiệp tiêu thụ chỉ 5-10%, mặc dù hiện nay giá có tăng (15.000 - 20.000 đồng/kg) nhưng người dân vẫn lỗ. Giá thịt lợn cũng chỉ dao động ở khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg nên người chăn nuôi khó khăn.
Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp đã và đang gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, nguyên liệu vào khu vực sản xuất. Chi phí vận tải biển tăng 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần... ở một số chặng mà doanh nghiệp không đặt được tàu và container để xuất khẩu... Giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng 16-30%, trong khi đó, giá sản phẩm giảm sâu, có loại chỉ bằng 30% giá thành.
Ở nhiều tỉnh, thành nhiều hộ gia đình chăn nuôi có quy mô lớn đang có tâm lý ngần ngại không dám đầu tư tái đàn. Nếu không có giải pháp kịp thời tháo gỡ, không những mục tiêu đề ra khó đạt mà nguồn thực phẩm sẽ bị thiếu trong quý 4/2021 và đặc biệt dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022.
Thủy sản vốn được xem là ngành mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp song chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, sản lượng khai thác và nuôi trồng quý 3 giảm 5,2%. Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,38 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, dịch Covid-19 kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho các lĩnh vực kinh tế, đời sống của nhân dân, trong đó sản xuất-kinh doanh ngành thủy sản bị ảnh hưởng khá sâu rộng.
Giữ vững “ trụ đỡ”
Tại hội nghị trực tuyến mới đây bàn về những giải pháp tháo gỡ cho ngành chăn nuôi, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh, DN và hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn cả về sản xuất và lưu thông vận chuyển. Trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm giảm do cầu giảm, hàng tồn kho lớn. Điều này gây khó cho việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn, thu nhập người dân ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, quý 4 là giai đoạn khôi phục sản xuất, chế biến và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nước rút cuối năm, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trong quý 3,2-3,3%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 2,9-3%.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn tạo đà cho ngành chăn nuôi tăng trưởng, trước mắt Bộ NNPTNT sẽ phối hợp cùng bộ, ngành và địa phương để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi còn tồn đọng. Đồng thời sẽ làm việc và chỉ đạo các DN chăn nuôi chủ động tái đàn cho dịp cuối năm.
Về lĩnh vực thủy sản, theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc đạt mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản không khó mà khó trong lưu thông và các cơ sở chế biến phải khôi phục lại được sản xuất. Khi các DN chế biến hoạt động trở lại thì việc khôi phục sản xuất sẽ đạt được.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì cho rằng, khi nới lỏng giãn cách xã hội thì cần khuyến khích các DN và nông dân chủ động tái đàn để có nguồn thực phẩm cho cuối năm. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay vốn để DN, người chăn nuôi tái đàn.
Giảm áp lực của giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng cao cần tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt liên kết trong chuỗi để có thể tiết kiệm được đầu vào giảm giá thành sản phẩm.
Hiện nay để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu, Bộ NNPTNN đã đề ra các giải pháp như đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Theo đó, ngành sẽ tăng cường kết nối hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.
Đặc biệt sẽ phối hợp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic... không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
“Bộ NNPTNT sẽ tập trung vào chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Để ngành Nông nghiệp hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp như: Xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành Nông nghiệp; miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay đối với các DN chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 để khôi phục sản xuất.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), mỗi địa phương và DN hãy chuẩn bị cho mình kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình, gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, doanh nghiệp. Quá trình phục hồi cũng chính là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long đã là một hệ sinh thái an toàn sống chung với ngập mặn thành công với vai trò là vựa lúa, vựa cá tôm của cả nước nên nông nghiệp nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần phát huy tốt nhất vai trò bệ đỡ, đặc biệt khi nền kinh tế gặp khó khăn.