Giáo dục

Gỡ khó đào tạo môn nghệ thuật trong trường học

Thu Hương 26/01/2024 08:19

UBND TPHCM vừa phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tới năm 2030, mỗi học sinh biết ít nhất 1 môn nghệ thuật, chơi một nhạc cụ.

anhbaitren.png
Tiết học Âm nhạc tại trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Chưa đạt yêu cầu tối thiểu

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM, từ năm 2018, TPHCM đã yêu cầu Trường Đại học Sài Gòn đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đến nay một số bộ môn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Trong đó, riêng môn nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT cần có 2 tiết/ tuần nhưng hiện không có GV. Hiện chỉ có bậc THCS dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật còn bậc THPT hầu như không có.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” chỉ rõ, cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên (GV) phổ thông; thừa cục bộ 5.091 GV. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp THCS riêng môn nghệ thuật thiếu 4.321 GV, thừa cục bộ 885 GV.

Ở cấp THPT, tổng số GV môn Nghệ thuật hiện có trong biên chế là 46 GV (trong đó Đồng bằng sông Hồng có 2 GV; miền núi phía Bắc có 19 GV; Bắc Trung Bộ có 12 GV; Tây Nguyên có 4 GV; Đông Nam Bộ có 4 GV; Đồng bằng sông Cửu Long có 5 GV; địa phương có nhiều GV nhất là Bắc Giang có 7 GV). 42 tỉnh chưa có biên chế GV cho các môn học này. Chính phủ không xác định được cụ thể số GV cần có cho môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai sang năm thứ 4. Tuy nhiên, những con số trên đã phản ánh bức tranh dạy và học môn nghệ thuật trong trường phổ thông hiện nay đang còn nhiều hạn chế. Có những tỉnh với vài chục trường THPT nhưng chỉ có duy nhất một GV âm nhạc thì khó để giảng dạy. Để đạt được mục tiêu như TPHCM đặt ra hoặc đảm bảo yêu cầu cơ bản như chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra đó là phải có GV để học sinh được tự chọn môn học theo nhu cầu cần những giải pháp quyết liệt.

Đặt hàng đào tạo - giải pháp căn cơ

Theo thống kê số lượng GV môn nghệ thuật đang còn thiếu là một con số khá lớn mà trong thời gian ngắn trước mắt chưa thể bổ sung ngay được. Dù Bộ GDĐT quy định học sinh THPT được lựa chọn môn học ở bậc THPT nhưng ở hầu hết các trường tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác, trong tổ hợp các nhà trường đưa ra để học sinh chọn đều không có sự xuất hiện của nhạc họa. Việc vắng bóng hai môn nghệ thuật có nguyên nhân lớn xuất phát từ việc thiếu GV.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh, chú trọng đến việc phát huy sở trường của mỗi em, giúp các em thuận lợi hơn cho việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Việc thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật dẫn đến không ít học sinh có năng khiếu về ca hát, hội hoạ không thể chọn tổ hợp môn mình yêu thích. Khi bắt buộc phải chọn tổ hợp môn không phải sở trường cũng sẽ khó khăn cho chính các em trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình. Khảo sát của một số trường cho thấy số lượng học sinh mong muốn được học môn học này không phải ít nhưng khi xây dựng các tổ hợp, các trường đều “né” môn học này vì không có GV.

Giải pháp được TPHCM đưa ra đó là đặt hàng đào tạo để có đủ lực lượng tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, ghi nhận từ Trường Đại học Sài Gòn, cơ sở giáo dục duy nhất của thành phố đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật nhưng tuyển sinh rất khó, chưa năm nào đủ chỉ tiêu. Ngược lại, ngành sư phạm âm nhạc tuyển sinh được nhưng sinh viên ra trường không đi dạy mà… đi hát phòng trà.

Với đặc thù của các môn nghệ thuật, cử nhân không mặn mà với việc giảng dạy trong nhà trường một phần xuất phát từ cơ hội làm việc tại các trung tâm, đơn vị tư nhân có thu nhập hấp dẫn hơn, thời gian linh hoạt hơn. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề, trong đó có GV nghệ thuật.

Một chuyên gia đề xuất có thể nghiên cứu hạ định mức tiết dạy mỗi tuần cho GV nghệ thuật ở cả 3 cấp học, tạo điều kiện cho GV dạy tăng tiết để tăng thu nhập. Khi có khoản thu nhập hàng tháng hợp lý, học sinh cũng sẽ hứng thú hơn trong việc chọn nghề học cho tương lai - giải pháp lâu dài để có đủ đội ngũ GV chất lượng cho môn nghệ thuật.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) đề xuất các địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 của Chính phủ. Bên cạnh đó, từ phía địa phương cũng cần có các phương án tạm thời, linh hoạt để bổ sung đội ngũ như phân công dạy học liên trường, chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu, hợp đồng GV ngắn hạn hoặc thỉnh giảng; xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó đào tạo môn nghệ thuật trong trường học